“Định vị” du lịch toàn cầu
Du lịch - Ngày đăng : 06:09, 30/08/2022
Đó là những từ mà báo chí nước ngoài ca ngợi các điểm đến tại Việt Nam trong các năm qua, trong đó có điểm đến Mũi Né.
Gần nhất như đầu tháng 8 này, chuyên trang về du lịch của Canada - Planet Ware nhận định, Việt Nam có 17 điểm đến tuyệt vời nhất mà du khách nước ngoài không nên bỏ lỡ khi tới đây. Riêng điểm đến Mũi Né (TP. Phan Thiết) với sự giới thiệu gây tò mò: “Từng là một làng chài vô danh, giờ đây Mũi Né đã phát triển thành một trung tâm du lịch nổi tiếng xinh đẹp của thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, được nhiều du khách biết tới hơn”. Đồng thời cũng nhấn mạnh: “So với những bãi biển khác, Mũi Né vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, thuần khiết và không quá xô bồ. Do đó sẽ là một nơi hoàn hảo cho những ai muốn tận hưởng một nhịp sống yên bình, tĩnh lặng, để lắng nghe hơi thở của trời và đất”.
Sự có mặt trong cuộc bình chọn trên báo nước ngoài vào tháng 8/2022 diễn ra trong bối cảnh phục hồi du lịch sau thời gian dài khủng hoảng từ dịch Covid-19 đã cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ của du lịch Bình Thuận. Những con số thống kê của 8 tháng năm 2022 như có 3.457.472 lượt khách đến tỉnh, đạt 77,7% kế hoạch năm và tăng 98,12% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch 8.314 tỷ đồng, đạt 78,4% kế hoạch năm, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2021 đã cho thấy rõ điều đó. Sức vươn ấy là sự tiếp nối bắt đầu từ sự kiện nhật thực toàn phần diễn ra vào ngày 24/10/1995, thời điểm không chỉ người trong nước mà còn người nước ngoài, trong đó có doanh nhân bắt đầu biết đến Mũi Né - Phan Thiết và phát hiện ra tiềm năng phát triển du lịch ở nơi đây. Kể từ đó, nguồn tài nguyên du lịch phong phú, quý giá đang tiềm ẩn ở một vùng biển ít người biết đến đã được khám phá, khơi dậy. Đánh dấu cho sự vươn lên đầy ấn tượng ấy với các tên gọi như “thủ đô resort”, “thiên đường du lịch được tạo nên từ những cồn cát”, nơi đây tập trung hàng trăm resort lớn nhỏ, cũng như phát triển mạnh các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, thể thao trên biển, cát, song song với sự thu hút ngày càng nhiều hơn du khách quốc tế lẫn trong nước đến trải nghiệm. Đó là lý do mà Mũi Né, Phan Thiết có mặt trong kết quả bình chọn những điểm đến tuyệt nhất, đẹp nhất ở Việt Nam do các báo nước ngoài thực hiện. Qua đó cũng khẳng định thương hiệu Mũi Né – Phan Thiết trong lòng du khách nước ngoài.
Không chỉ có tên trên bản đồ du lịch thế giới
Vượt lên các tỉnh có biển từ sự khác biệt trong hành trình 30 năm phát triển du lịch để trở thành điểm đến an toàn, thân thiện và tin tưởng, Khu du lịch Mũi Né đã được quy hoạch là Khu du lịch quốc gia và Bình Thuận là một địa phương trọng điểm trong quy hoạch phát triển du lịch quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 vào ngày 18/12/2018 tại Quyết định số 1772. Theo đó, Mũi Né và các khu vực lân cận đã được lựa chọn để trở thành khu vực ưu tiên phát triển du lịch của Việt Nam. Để đến năm 2030, cơ bản đưa Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Khát vọng ấy đang hiện thực hóa khi bước đầu, Khu du lịch quốc gia Mũi Né đã thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, có kinh nghiệm và có tiềm lực tài chính như Tập đoàn Novaland, Apec Mendala, TTC, Hưng Thịnh… Không dừng ở Mũi Né, như Tập đoàn Novaland còn đầu tư dự án NovaWorld ở xã Tiến Thành nên đã nối dài sự sôi động của du lịch về phía nam thành phố Phan Thiết và tỉnh, nơi vốn bị gãy khúc nhộn nhịp nhiều năm nay. Bây giờ, ở Tiến Thành đã hình thành đô thị du lịch có quy mô 1.000 ha, đang và sẽ phát triển hàng trăm tiện ích cho cộng đồng như chuỗi phòng khám - bệnh viện; thẩm mỹ viện; làng quốc tế; làng hưu trí điểm đến nghỉ dưỡng… Bên cạnh đó, tập đoàn còn dự kiến tiếp tục phát triển các dự án mới trên địa bàn tỉnh trong thời gian sắp tới, với khát vọng đồng hành đưa Bình Thuận thành một trong những điểm đến hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương.
Vì sao chọn mảnh đất Bình Thuận để đầu tư, đại diện Tập đoàn Novaland cho biết, vì Bình Thuận là địa phương sở hữu nhiều nét đẹp của tự nhiên với bờ biển dài, cát mịn, khí hậu thuận lợi cho du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng, hạ tầng kết nối thuận tiện cùng với các chính sách kêu gọi đầu tư của chính quyền. Bên cạnh những lợi thế sẵn có, Bình Thuận có thêm một lợi thế đặc biệt là quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Quy hoạch này tạo sức bật mạnh mẽ giúp Bình Thuận trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, có thể cạnh tranh với nhiều điểm đến quốc tế đẳng cấp của nhiều quốc gia khác trên thế giới.
“Đặc biệt, khi Bình Thuận có khát vọng đến năm 2030 sẽ trở thành thiên đường nghỉ dưỡng hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một điểm đến du lịch cho các mục đích du lịch biển và giải trí, du lịch thám hiểm và thể thao, du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng và đặc biệt là du lịch hội nghị (MICE). Chúng tôi thấy được những tiềm năng này để áp dụng vào quy hoạch các dự án của mình trên địa bàn tỉnh”, đại diện tập đoàn này nói thêm.
Chuẩn bị cho “cất cánh”
Cũng theo nhà đầu tư này, thực tế Bình Thuận đã là điểm đến du lịch nổi tiếng từ năm 1995 nhưng do vẫn còn khá hạn chế về tiện ích và các hạng mục vui chơi giải trí nên không tạo được sự thu hút bền vững và sức cạnh tranh vượt trội. Điều này, ai quan tâm cũng có cùng nhìn nhận là du lịch của tỉnh chưa khai thác hết tài nguyên, lợi thế. Bên cạnh đó là kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch chưa được đầu tư hoàn thiện, nhất là giao thông. Rồi môi trường, các thiết chế văn hóa… còn nhiều điểm yếu.
Để “cất cánh” đến mục tiêu đề ra vào năm 2030, theo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, cùng với chiến lược và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là triển khai Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 24/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khóa XIV) về phát triển du lịch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 28/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến năm 2025. Thêm nữa, tiếp tục ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động du lịch theo Nghị quyết số 10 ngày 18/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, vốn đã triển khai tích cực và đạt kết quả vượt trội trong thời gian phục hồi du lịch sau dịch bệnh. Từ đây, mới tạo đà nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Bình Thuận, không chỉ đưa du lịch thành 1 trụ cột kinh tế của tỉnh mà còn định vị nổi bật trên bản đồ du lịch toàn cầu.
Với mục tiêu như đón 16 triệu lượt khách vào năm 2030, trong đó khách quốc tế chiếm từ 15 - 20%; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 63.000 tỷ đồng; du lịch đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt 12 - 13% ... ngành du lịch Bình Thuận triển khai đồng bộ 10 giải pháp trọng tâm. Trong đó, nổi bật là xây dựng thành phố Phan Thiết là đô thị du lịch hỗn hợp, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, giải trí – thể thao biển, hội nghị - triển lãm mang tầm quốc gia, quốc tế; trung tâm du lịch văn hóa, mua sắm, lễ hội với thương hiệu đặc trưng. Tăng cường mở rộng liên kết, hợp tác với các trường học, cơ sở đào tạo trong và ngoài nước đào tạo nghề du lịch theo tiêu chuẩn ASEAN…