Bình Thuận long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh
Chính trị - Ngày đăng : 23:00, 30/08/2022
Cùng dự có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, Trung ương; lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Ninh Thuận, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tuyên Quang.
Đại biểu của tỉnh có các đồng chí: Dương Văn An - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Tuấn Phong – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; nguyên Thường trực Tỉnh ủy; Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ; cán bộ cao niên tuổi Đảng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh.
Diễn văn kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đã ôn lại quá trình từ lúc tái lập tỉnh Bình Thuận đến nay. Tháng 12/1991, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (khóa VIII) đã quyết định tách tỉnh Thuận Hải thành 2 tỉnh: Ninh Thuận và Bình Thuận; các tỉnh mới bắt đầu hoạt động từ ngày 1/4/1992. Khi mới được tái lập, Bình Thuận là một trong những tỉnh rất khó khăn của khu vực Duyên hải Nam Trung bộ. 30 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, của các tỉnh, thành; cùng với sự đoàn kết, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, Bình Thuận đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.
Thành tựu quan trọng nhất là phát triển hệ thống thủy lợi. Được biết đến là một trong những tỉnh nắng gió, khô hạn nhất nước, đến nay, Bình Thuận có 78 hệ thống thủy lợi với hàng trăm công trình lớn và nhỏ với tổng dung tích hơn 400 triệu m3; đưa diện tích gieo trồng được tưới chủ động tăng gấp 4 lần. Đặc biệt, với sáng kiến nối mạng thủy lợi, đã đưa được nước về những vùng đất khô cằn, hoang hóa; từ đó vực dậy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế từng vùng đất trên địa bàn tỉnh.
Với bản lĩnh, trí tuệ và quyết tâm cao, tỉnh đã từng bước biến khó khăn thành lợi thế so sánh, mạnh dạn tìm chọn cho mình một hướng đi phù hợp, từ đó tiềm năng, lợi thế của tỉnh được khai thác và phát huy ngày càng hiệu quả hơn. Trước hết là du lịch. Nếu năm 1991 du lịch chưa có trong cơ cấu thành phần kinh tế của tỉnh thì đến nay, du lịch Bình Thuận vươn mình phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng bình quân 31,3%/năm, đóng góp vào GRDP của tỉnh trên 9%, đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Từ một tỉnh thuần nông, kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, Bình Thuận đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển nhanh công nghiệp - dịch vụ, trong đó, ngành công nghiệp năng lượng đã có sự phát triển bứt phá, trở thành động lực chính thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 48 nhà máy điện đang hoạt động với các loại hình: thủy điện, nhiệt điện, điện mặt trời, điện gió, với tổng công suất 6.520 MW; sản lượng điện thiết kế khoảng 31,6 tỷ kWh/năm. Thời gian tới, các nhà máy điện khí hóa lỏng LNG, điện gió ngoài khơi sẽ được tiếp tục đầu tư; chúng ta tin tưởng, trong tương lai không xa, Bình Thuận sẽ trở thành Trung tâm năng lượng lớn của đất nước.
Với sự phát triển đồng đều của các ngành kinh tế dựa trên lợi thế và tiềm năng, kinh tế của tỉnh phát triển khá nhanh, tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh luôn cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước, tạo chuyển biến rõ nét trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng lực sản xuất và quy mô nền kinh tế; giá trị tổng sản phẩm nội tỉnh năm 2021 gấp 22 lần năm 1992. Thu ngân sách nội địa của tỉnh từ 77 tỷ đồng (năm 1992) tăng lên 8.064 tỷ đồng năm 2021, tăng gấp 105 lần và đứng thứ 8/14 tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ. Bộ mặt của Bình Thuận đã có bước đổi mới toàn diện. Đến nay toàn tỉnh có 14 đô thị, 69/93 xã đạt chuẩn nông thôn và 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người từ 1,35 triệu đồng năm 1992 lên 48,92 triệu đồng năm 2021 (gấp 36,2 lần, tăng bình quân 13,24%/năm), đứng thứ 18 trong cả nước và đứng thứ 2 trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn, ngày càng vững mạnh. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền luôn được các cấp ủy Đảng thường xuyên quan tâm…
Đồng chí Dương Văn An nhấn mạnh: Với những thành tựu quan trọng đạt được trong 30 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bình Thuận rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Quan trọng nhất là bài học về khơi dậy niềm tự hào, truyền thống yêu quê hương với ý chí, khát vọng vươn lên của mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân Bình Thuận. Từ đó cùng nhau đoàn kết nỗ lực không ngừng, vượt qua mọi gian khổ, biến khó khăn, thách thức thành tiềm năng, lợi thế; vừa nêu cao ý chí tự lực tự cường, vừa tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của Bộ Chính trị, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, đồng thời hợp tác chặt chẽ với các địa phương trong cả nước, trước hết là các tỉnh trong khu vực Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung bộ. Nhờ vậy, Bình Thuận từ một tỉnh nghèo vươn lên trở thành một “cực” phát triển mới của khu vực Nam Trung bộ, tạo tiền đề quan trọng để tỉnh phát triển nhanh hơn và vững chắc hơn trong giai đoạn tiếp theo.
“Chặng đường phía trước đang mở ra cho tỉnh Bình Thuận nhiều thời cơ và thuận lợi mới nhưng cũng không ít gian nan, thử thách. Tại Lễ kỷ niệm trọng thể này, thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tôi kêu gọi các cấp, các ngành, toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, giữ vững đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xây dựng quê hương Bình Thuận ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha anh, xứng đáng với niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh nhà” – Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kêu gọi.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời thăm hỏi ân cần, lời chúc sức khỏe đến toàn thể đồng bào, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh. Đồng thời ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao và chúc mừng những thành tích đạt được qua 30 năm tái lập tỉnh của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Bình Thuận góp phần thiết thực vào thành tựu chung của cả nước.
Phát huy những kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh Bình Thuận nỗ lực hơn nữa, đoàn kết hơn nữa, chung sức, đồng lòng, không ngừng đổi mới, phát huy những kinh nghiệm và thành tựu đã đạt được, chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, phấn đấu hoàn thành tốt mọi mục tiêu của năm 2022 và những năm tiếp theo, lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá, góp phần cùng cả nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý Bình Thuận tiếp tục giữ gìn, củng cố và vun đắp cho sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thuận; phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm và sự nỗ lực của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân; đây chính là một trong những nguồn lực quan trọng nhất để phát triển nhanh và bền vững. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực sự năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp, tận tụy, đam mê, trách nhiệm, vì nhân dân phục vụ; khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bình Thuận tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần dân chủ, kỷ cương; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh nhà gắn với chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh cũng như đón những nguồn vốn đầu tư mới trong thời gian tới. Kiên quyết, kiên trì phát triển dựa trên 3 trụ cột mà tỉnh đã xác định, chú ý cơ cấu lại nội bộ từng thành phần kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả nền kinh tế. Chú ý xây dựng Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tầm nhìn xa, giải pháp thực hiện hợp lý để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của tỉnh cho mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.
Cùng với phát triển kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bình Thuận cần tiếp tục giữ gìn và phát triển, phát huy nền văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc trong tỉnh. Không ngừng chăm lo phát triển y tế, giáo dục, đào tạo. Thực hiện tốt chính sách người có công, gia đình chính sách, người yếu thế, bảo đảm an sinh xã hội. Tăng cường bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội. Nắm chắc tình hình, kịp thời giải quyết hiệu quả những bức xúc của người dân từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở.
Thủ tướng Chính phủ bày tỏ tin tưởng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Bình Thuận với khát vọng và quyết tâm lớn, với bản lĩnh và nghị lực, với tinh thần dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, lợi ích quốc gia, dân tộc, sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Bình Thuận sẽ trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng cao và chung tay cùng cả nước xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.
Phát biểu đáp từ, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính để cụ thể hóa thành những kế hoạch, chương trình hành động cụ thể và triển khai thực hiện trong thời gian tới. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thuận xin hứa sẽ luôn luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, nêu cao truyền thống “tự lực tự cường, chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẻ vang”, đoàn kết một lòng, ra sức xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị tỉnh nhà ngày càng trong sạch vững mạnh, phấn đấu xây dựng quê hương Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và các Ban, bộ, ngành Trung ương.