Nhìn lại 5 năm thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý
Pháp luật - Ngày đăng : 05:27, 01/09/2022
Con số chưa dừng
Trợ giúp pháp lý miễn phí - một chính sách bảo đảm quyền con người, quyền công dân và là một bộ phận của tổng thể các chính sách xóa đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, chính sách dân tộc và ưu đãi xã hội của Đảng và Nhà nước.
5 năm qua, kể từ khi Luật Trợ giúp pháp lý ra đời vào năm 2017, Bình Thuận không ngừng quan tâm công tác trợ giúp pháp lý cho người yếu thế bằng cách ban hành nhiều chương trình, kế hoạch triển khai thi hành luật trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh đã tổ chức lớp tập huấn cho 150 lãnh đạo sở, ban, ngành, đoàn thể, luật sư... Sở Tư pháp (Chủ tịch Hội đồng) đã tổ chức hội nghị tuyên truyền luật và các văn bản thi hành, đồng thời lồng ghép trong các đợt tập huấn kiến thức pháp luật của các ban ngành có liên quan.
Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh - cơ quan thường trực của Hội đồng, tổ chức nhiều hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền luật bằng nhiều hình thức cả trực tiếp và gián tiếp, đặc biệt trên truyền thông. Nhờ vậy, năm đầu triển khai luật chỉ với 42 vụ việc được trợ giúp pháp lý, đến năm 2020 nâng lên 71 vụ, đặc biệt chỉ 6 tháng đầu năm nay 73 vụ việc trợ giúp pháp lý. “Sau 5 năm triển khai Luật Trợ giúp pháp lý đến nay, trung tâm và các chi nhánh của trung tâm ở các huyện đã trợ giúp pháp lý cho 375 vụ việc. Năm sau luôn tăng hơn năm trước nhờ thay đổi cách tuyên truyền, không như trước đây chủ yếu qua trợ giúp pháp lý lưu động, tư vấn, trợ giúp tại trụ sở trung tâm”, Trung tâm Trợ giúp pháp lý cho biết.
Nối dài con số
Trong thời gian đến để làm tốt công tác trợ giúp pháp lý, các cơ quan tố tụng cần quan tâm công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng bằng cách giới thiệu các đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý đến trung tâm, cũng như tăng cường nguồn nhân lực... Con số 375 vụ việc trong 5 năm qua không chỉ dừng tại đó mà sẽ nối dài thêm, vì trong cộng đồng dân cư còn nhiều người yếu thế thuộc diện trợ giúp pháp lý. Đơn cử như Đức Linh và Tánh Linh là 2 địa phương có nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số, vì thế số vụ việc trợ giúp pháp lý ngày càng nhiều, nhất là trẻ em bị xâm hại; cố ý gây thương tích do nhận thức người dân còn hạn chế.
Ông Đặng Văn Đào – Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, công tác trợ giúp pháp lý đã được ổn định, dần đi vào chiều sâu, thực chất, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các đối tượng yếu thế trong các vụ án hình sự, dân sự... và ngày càng được người dân tin tưởng.
Bên cạnh những kết quả đạt được công tác trợ giúp pháp lý còn một số hạn chế như: Chất lượng các đợt truyền thông, tuyên truyền pháp luật chưa cao, một số cơ quan tiến hành tố tụng chưa thực sự quan tâm đến công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng như giới thiệu các đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý đến trung tâm; nguồn lực trợ giúp viên pháp lý còn hạn chế, trong khi số vụ việc trợ giúp pháp lý ngày càng tăng. Do vậy, các cơ quan, ban, ngành đoàn thể tiếp tục phát huy những kết quả, đồng thời khắc phục những hạn chế, khó khăn nhằm triển khai có hiệu quả Luật Trợ giúp pháp lý.