Phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản
Xã hội - Ngày đăng : 05:53, 01/09/2022
Lĩnh vực thủy sản đã áp dụng sử dụng máy móc, công nghệ trong nhiều khâu. Công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản có tiến bộ lớn và thu hút được sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp, góp phần đáng kể vào nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, tiêu thụ đầu ra cho sản xuất nông nghiệp.
Áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất và chế biến
Là xu hướng tất yếu của nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được coi là bước đột phá quan trọng nhằm đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Bình Thuận bước đầu đã được quan tâm đầu tư. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản có quy mô. Tỷ lệ nông, lâm, thủy sản chế biến xuất khẩu chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Thời gian gần đây, việc trang bị, áp dụng các loại máy móc, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 120.774 máy móc phục vụ trong sản xuất và phục vụ sau thu hoạch. Trong đó mức độ cơ giới hóa khá cao trong các khâu làm đất đã giúp cho nông dân có cơ hội, có điều kiện thâm canh, tăng vụ, rút ngắn thời gian gieo trồng, chủ động trong sản xuất. Từ đó có điều kiện thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước thực hiện công nghiệp hóa sản xuất trong nông nghiệp, xóa dần phương thức sản xuất nông nghiệp thủ công, lạc hậu, phân tán manh mún, từng bước tiến tới sản xuất tập trung, tăng dần quy mô canh tác, giảm chi phí, tăng cao năng suất lao động và thu nhập trên đơn vị diện tích sản xuất. Tuy nhiên, sự phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của ngành nông nghiệp và thế mạnh của nhiều địa phương. Ngành cơ khí chế tạo máy kéo, máy nông nghiệp trong tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp.
Phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững
Thực tiễn đã chứng minh về hiệu quả của cơ giới hóa nông nghiệp, nhưng đến nay việc ứng dụng máy móc trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế do chi phí đầu tư cao trong khi kiến thức hiểu biết của người dân còn thấp nên nhiều hộ dân vẫn ngần ngại trong việc đầu tư mua, cho thuê máy móc. Điều này khiến cho chi phí sau thu hoạch còn cao. Xác định tầm quan trọng đó, tháng 9/2021, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 05 về phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị kinh tế cao. Đây là nghị quyết mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa mới ban hành nhằm hưởng ứng chủ trương kép của Thủ tướng Chính phủ, vừa thực hiện phòng, chống dịch Covid – 19, vừa phục hồi phát triển kinh tế, đảm bảo các chuỗi sản xuất và kinh doanh ngành nông nghiệp không bị đứt gãy.
Để đạt mục tiêu mà nghị quyết đã đề ra đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phải xây dựng, hoàn thiện và áp dụng hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về máy, thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp, năng lực chế biến và sản phẩm nông sản chế biến. Hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về truy xuất nguồn gốc cho các ngành hàng nông sản. Nghiên cứu xây dựng chính sách thúc đẩy xã hội hóa nghiên cứu và chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản. Các chính sách hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động và quản lý phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản. Đẩy mạnh triển khai các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các chính sách tín dụng hỗ trợ để phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản, phát triển các mô hình trung tâm, cụm liên kết sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản gắn với các vùng nguyên liệu tập trung. Tổ chức lại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo định hướng phát triển nhóm sản phẩm như: sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và sản phẩm là đặc sản của địa phương được cơ giới hóa đồng bộ, phù hợp với lợi thế của từng vùng, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nguyên liệu và kết nối với khu chế biến nông sản và dịch vụ thương mại nông nghiệp.
Bên cạnh đó cần phải đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp theo hướng nâng cao năng lực và vai trò của các tổ chức hợp tác của nông dân, đẩy mạnh tập trung đất đai, tăng quy mô tạo điều kiện thuận lợi áp dụng cơ giới hóa và phát triển chế biến nông sản. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò là “trụ cột” của chuỗi giá trị. Chú trọng phát triển các doanh nghiệp chế biến, bảo quản có đủ năng lực về vốn, công nghệ và thị trường tiêu thụ để dẫn dắt chuỗi giá trị nông sản, vận hành một cách thông suốt, hiệu quả. Tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ phục vụ phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào đầu tư phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản…