Voọc Chà Vá xuất hiện ở Chí Công (Tuy Phong): Cần có giải pháp đưa trở lại rừng an toàn
Xã hội - Ngày đăng : 19:09, 02/09/2022
BTO-Đến chiều nay (2/9), thông tin từ người dân xã Chí Công cho biết, một cá thể được cho là voọc Chà Vá chân xám vẫn còn ở gần một số nhà dân thuộc thôn Hà Thủy 3, xã Chí Công, huyện Tuy Phong.
Trước đó người dân phát hiện cá thể voọc này xuất hiện và di chuyển trên các nóc nhà của người dân và trên các cây keo gần khu vực Lăng Vạn, và khá nhát khi gặp người.
Chà vá chân xám sinh sống theo quần thể, là loài đặc hữu của Việt Nam, phân bố ở khu vực trung Trường Sơn, trên địa bàn các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum và Gia Lai và một số tỉnh Tây Nguyên khác.
Đây là động vật nằm trong danh sách các loài cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ của IUCN (Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên) và là một trong 25 Loài Linh trưởng bị đe dọa nhất Thế giới.
Ông Dương Công Nhựt, Phó Chủ tịch UBND xã Chí Công cho biết: Cá thể voọc xuất hiện đã 1 tuần nay. Sau khi nắm bắt thông tin, chúng tôi đã chụp ảnh và báo đến Kiểm lâm huyện Tuy Phong để có giải pháp đưa trở lại rừng. Đồng thời chúng tôi đã tuyên truyền cho người dân không xâm hại đến voọc vì vì phạm pháp luật.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Vui - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tuy Phong cho biết: Chúng tôi đã nắm bắt thông tin và đã cử người của hạt đến khu vực cá thể voọc xuất hiện và đã thuê 6 người phối hợp vay bắt đưa trở lại rừng. Tuy nhiên cá thể voọc trèo trên cây keo, khá nhát và rất khôn nên công tác dụ dỗ gây mê qua thức ăn và vay bắt gặp khó khăn. Do đơn vị không có súng gây mê nên chúng tôi cũng báo cáo vụ việc lên cấp trên về phương án thuê các chuyên gia từ TP. HCM ra sử dụng súng và thuốc gây mê để đưa voọc trở lại rừng, nhưng chi phí quá cao, lên đến vài chục triệu. Do vậy, chúng tôi đang tính toán phương án hiệu quả để đưa cá thể voọc này trở lại rừng an toàn.
Hiện nay chúng tôi đang cắt cử người theo dõi, đồng thời tuyên truyền người dân trong khu vực nơi voọc xuất hiện có hành động bảo vệ, không xâm hại.
Về nguồn gốc của voọc xuất hiện trong khu dân cư, ông Vui đưa ra dự đoán: "Có thể người dân nào đó không nắm bắt thông tin về voọc, đã lén lút bắt nuôi nhốt và để xổng ra ngoài. Bắt, nuôi nhốt, mua bán voọc Chà Vá là hành vi vi phạm pháp luật và chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền để người dân nắm bắt, không vi phạm", ông Vui cho biết thêm.
Theo chúng tôi, việc đưa cá thể voọc Chà Vá trở lại rừng cần có phương án tối ưu, thay vì đẩy đuổi trở lại rừng, vì khu vực xã Chí Công không tiếp giáp và rất xa so với rừng già. Loài này cũng sống theo quần thể, nên sẽ rất dễ xảy ra việc người dân bắt, xâm hại.