Bình Thuận với công tác xây dựng Đảng sau 30 năm tái lập tỉnh
Chính trị - Ngày đăng : 05:40, 05/09/2022
Trải qua 30 năm, từ ngày tái lập tỉnh (1992 - 2022), công tác tổ chức xây dựng Đảng không ngừng được củng cố, đổi mới và phát triển, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh.
Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng
Sau khi tái lập tỉnh vào tháng 4/1992, Đảng bộ tỉnh Bình Thuận có 13 Đảng bộ trực thuộc (gồm 9 huyện, thị và 4 Đảng ủy trực thuộc tỉnh); 458 tổ chức cơ sở Đảng, bao gồm 78 Đảng bộ cơ sở và 380 chi bộ cơ sở và hơn 8.500 đảng viên; đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh đã có 14 Đảng bộ trực thuộc; 469 tổ chức cơ sở Đảng, bao gồm 250 Đảng bộ cơ sở và 219 chi bộ cơ sở với 40.961 đảng viên.
Qua 30 năm, các tổ chức cơ sở Đảng tiếp tục được phát triển cả về số lượng và chất lượng; đã sắp xếp, quy định lại tổ chức cơ sở Đảng ở các loại hình phù hợp với tổ chức bộ máy và quy định của Trung ương. Chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở Đảng được đánh giá hàng năm ngày càng thực chất hơn, khắc phục tình trạng chạy theo thành tích. Đặc biệt, đến nay 100% thôn, khu phố không còn tình trạng trắng đảng viên và trắng tổ chức Đảng.
Đội ngũ đảng viên tiếp tục được tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Năm 1992 chỉ có hơn 8.500 đảng viên nhưng đến nay đã có 40.961 đảng viên, tăng hơn 32.400 đảng viên. Tỷ lệ kết nạp đảng viên mới trên tổng số đảng viên tăng từ 2,78% lên 5,04% trên tổng số đảng viên toàn Đảng bộ, tất cả những yếu tố đó đã góp phần làm tăng thêm nguồn sinh lực cho Đảng và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng.
Từ khi tái lập tỉnh năm 1992 đến nay chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về sắp xếp tổ chức bộ máy đã được xác định trong các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ và được Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy các khóa thường xuyên quan tâm, cụ thể hóa bằng nghị quyết, quy định, chương trình, kế hoạch… để triển khai thực hiện nên đạt được kết quả khá toàn diện. Nổi bật việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Nghị quyết số 19 “Tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” và Nghị quyết số 26 “về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp nhất cấp chiến lược đủ phẩm chất năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
Trước thời điểm Trung ương ban hành nghị quyết, cấp tỉnh có 43 sở, ban, ngành với 233 đầu mối (cấp phòng và tương đương). Đối với cấp huyện có 229 đầu mối (cấp phòng và tương đương), trong đó có 122 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và 114 phòng, ban giúp việc cấp ủy và cơ quan chuyên trách Mặt trận các đoàn thể cấp huyện. Sau khi thực hiện Nghị quyết 18, 19 tại tỉnh đã rà soát, sắp xếp tinh gọn bộ máy bên trong của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện. Kết quả giảm được 2 cơ quan cấp tỉnh; 73/233 đầu mối (cấp phòng và tương đương) thuộc sở, ban, ngành cấp tỉnh; giảm 17/229 đầu mối là phòng, ban chuyên môn và tương đương thuộc cấp huyện… Qua sắp xếp, kiện toàn bộ máy, chức năng, nhiệm vụ thẩm quyền, trách nhiệm và mối quan hệ công tác của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị được xác định rõ hơn; khắc phục dần sự chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ và thực hiện được mục tiêu tinh giảm biên chế.
Đội ngũ cán bộ phát triển mạnh
Trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các chương trình đột phá đào tạo cán bộ và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đã góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 và những năm đầu của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh đã cử hàng chục ngàn lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng dài hạn và ngắn hạn về chuyên môn, nghiệp vụ tại các học viện, các trường đại học, Trường Chính trị tỉnh.
Đến nay, trong 278 cán bộ lãnh đạo quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý thì có 100% cán bộ có trình độ đại học chuyên môn trở lên (trong đó, có 9 tiến sĩ, 103 thạc sĩ); 100% cán bộ có trình độ lý luận chính trị cao cấp hoặc cử nhân. Đến nay, đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở đã được chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển của từng đơn vị, địa phương.
Công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí sắp xếp cán bộ có bước chuyển biến tích cực; việc bố trí, bổ nhiệm cán bộ đảm bảo đúng quy trình, quy định; hầu hết cán bộ được bổ nhiệm bảo đảm tiêu chuẩn và phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Công tác Bảo vệ chính trị nội bộ được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định, 100% nhân sự tham gia cấp ủy, giữ những chức vụ chủ chốt, làm việc ở cơ quan trọng yếu cơ mật được việc xem xét, thẩm định và kết luận tiêu chuẩn chính trị chặt chẽ, đúng nguyên tắc, quy định. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở Đảng vẫn còn một số hạn chế. Một số cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng chậm đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; thực hiện chưa nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; tinh thần tự phê bình và phê bình chưa cao; một số cấp ủy cơ sở chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, chưa chủ động, kịp thời kiểm tra tổ chức Đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật. Năng lực, trình độ của một bộ phận đảng viên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đội ngũ cán bộ của tỉnh vẫn còn tình trạng vừa thừa, vừa thiếu ở một số ngành, địa phương; cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ chưa thật đồng bộ. Tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ trong lãnh đạo, quản lý chưa đạt yêu cầu. Ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ ở một số cơ quan nhà nước từ cấp xã đến cấp tỉnh chưa cao.
Có thể nhận thấy, những thành tựu và kết quả đạt được trong quá trình 30 năm tái lập, xây dựng, phát triển và hội nhập đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, năng động, sáng tạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy là nhân tố quyết định sự thắng lợi và phát triển của tỉnh nhà. Tin tưởng và hy vọng rằng, với sự kế thừa nền tảng và thành tựu đã đạt được trong 30 năm qua sẽ là tiền đề, động lực để tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên trong tỉnh tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, đoàn kết, thống nhất để xây dựng Đảng bộ tỉnh Bình Thuận ngày càng vững mạnh và phát triển.