Anh nông dân quyết tâm bám trụ cây “rồng xanh”
Kinh tế - Ngày đăng : 06:00, 05/09/2022
“2 năm gần đây giá thanh long nhiều biến động nhưng gia đình tôi vẫn bền bỉ đeo bám, dù sao đi nữa, thu nhập từ cây thanh long vẫn cao hơn những cây trồng khác ở vùng đất sỏi này. Ai có bỏ cây thanh long chứ tôi chắc chắn vẫn giữ vườn”, anh Lương nói. Gắn bó với cây thanh long từ năm 1998, ban đầu anh Lương trồng 500 trụ thanh long, rồi canh tác hiệu quả, anh phát triển dần diện tích lên đến hơn 3.000 trụ. Trước đây, vườn thanh long canh tác theo phương pháp truyền thống anh tự đưa ra quy trình chăm sóc, bón phân. Theo quy luật của thị trường và những yêu cầu ngày một cao của các nước tiêu thụ trái “rồng xanh”, anh Lương suy nghĩ muốn phát triển bền vững phải phát triển thanh long theo tiêu chuẩn an toàn, sạch. Vậy là anh tự thay đổi phương pháp canh tác thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP rồi GlobalGAP tham gia vào Hợp tác xã Thanh Bình.
Vườn thanh long anh Lương trồng đạt tiêu chuẩn GlobalGAP xuất khẩu đi nhiều nước chứ không chỉ thị trường Trung Quốc, lợi nhuận thu về cũng khá hơn, đời sống gia đình anh Lương cũng như nhiều gia đình khác ở đây đã có sự chuyển biến rõ nét. Nhiều năm liền canh tác thanh long hiệu quả, anh Lương nhận được bằng khen của Trung ương, tỉnh, huyện về điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Thời điểm khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện, vườn thanh long nhà anh Lương nhiều lần xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường khó tính Canada, Nhật Bản hay các thị trường ít khắt khe hơn là Ấn Độ, Trung Quốc. Để thanh long xuất khẩu chính ngạch phải đi sang thị trường khó tính anh Lương tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về sử dụng phân, thuốc và đảm bảo thời gian cách ly đúng chuẩn. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, xuất khẩu thanh long ách tắc khiến giá thanh long xuống đáy. Trong khi đó, giá vật tư nông nghiệp cứ đà leo thang nên những vụ mùa mất trắng, lỗ vốn như cơm bữa không ít lần nản chí nhưng rồi anh vẫn quyết tâm bám trụ.
Anh Lương hiến đất, tự đổ bê tông làm sân bóng chuyền cho người dân vui chơi
Trước tình hình trên, ở các thôn trong xã Hồng Sơn một số hộ dân phá bỏ thanh long chuyển sang cây trồng khác. Thanh long là cây chủ lực trong kinh tế nông nghiệp ở xã, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền vận động bà con chăm sóc tốt theo hướng VietGAP, GlobalGAP, xây dựng mã vùng trồng, ghi nhãn hiệu đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ bền vững ở các nước. Cùng với Hội Nông dân xã, anh Lương thường xuyên chia sẻ với bà con trong thôn về cách sử dụng các loại phân hữu cơ, kỹ thuật canh tác GlobalGAP và các chủ trương của địa phương với những nông dân khác trong tổ, nhóm. Anh còn tự tìm tòi kiến thức qua mạng internet nghe nhà khoa học, doanh nghiệp chia sẻ về ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm… kỳ vọng về sự thịnh vượng trở lại cây “rồng xanh”. Ông Nguyễn Văn Khuyến – Trưởng thôn Suối Đá cho biết: “Nhờ công tác tuyên truyền vận động mà thôn Suối Đá vẫn giữ ổn định diện tích thanh long. Trong tổng số 260 ha thanh long toàn thôn hiện chỉ có khoảng 5 ha phá bỏ phần lớn là những vườn già cỗi, và những diện tích thanh long người dân mới phát triển sau này do giá xuống thấp không có điều kiện tái đầu tư”.
Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi anh Lương còn tích cực tham gia vào các phong trào công tác xã hội tại địa phương. Anh là mạnh thường quân thường xuyên đóng góp kinh phí cho địa phương tổ chức các hoạt động trao học bổng cho học sinh nghèo, tặng quà cho người nghèo, neo đơn. Trên mảnh đất của gia đình anh đổ bê tông xây dựng sân bóng chuyền để người dân trong xã có nơi tập luyện thể thao, sinh hoạt văn nghệ nâng cao đời sống tinh thần, gắn kết tình làng nghĩa xóm.