Chuẩn bị các điều kiện để sản xuất vụ mùa hiệu quả
Kinh tế - Ngày đăng : 05:48, 06/09/2022
“Xanh nhà hơn già đồng”
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, hiện toàn tỉnh còn khoảng 7.500 ha lúa hè thu đang giai đoạn chín - thu hoạch. Riêng vụ mùa bà con đã xuống giống trên 11.000 ha, chủ yếu giai đoạn mạ, đẻ nhánh. Ghi nhận tại các địa phương, sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, nông dân ra đồng thu hoạch những diện tích lúa còn lại của vụ hè thu, cùng với đó tập trung xuống giống vụ mùa. Đơn cử tại huyện Đức Linh, ông Trương Quang Đến - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết, vụ mùa năm nay địa phương gieo trồng gần 8.400 ha cây hàng năm. Thời điểm này nông dân đang tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cây trồng vụ hè thu. Đồng thời triển khai xuống giống vụ mùa trên những diện tích bỏ vụ ở các xã Sùng Nhơn, Mê Pu, Đa Kai, Đức Tài…
Đáng lưu ý, theo dự báo tình hình thời tiết, thủy văn những tháng còn lại của năm 2022 diễn biến phức tạp. Do đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các địa phương cần chủ động đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn, áp thấp nhiệt đới… để có giải pháp, chỉ đạo sản xuất, ứng phó kịp thời, hiệu quả. Cần tranh thủ thu hoạch lúa hè thu nhanh, gọn với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để tránh thiệt hại do mưa, lũ đến sớm, lốc xoáy gây đổ ngã lúa. Ngành nông nghiệp tỉnh đề nghị các địa phương căn cứ tình hình thực tế, có thể bố trí sản xuất cho phù hợp với khả năng về nguồn nước, đất đai. Tuy nhiên, những diện tích xuống giống phải đảm bảo đủ nước từ lúc gieo trồng đến khi thu hoạch, không gieo trồng tràn lan tránh gây thiệt hại cho người dân.
Tập trung xuống giống đúng kế hoạch
Về triển khai vụ mùa 2022, ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, khung thời vụ chung sản xuất vụ mùa trên địa bàn tỉnh từ 1/8 đến 30/9 kết thúc. Riêng đối với cây lúa, thời vụ xuống giống ở những vùng không chủ động nước tập trung xuống giống từ 15/8 đến 15/9. Đối với vùng chủ động nước, do vụ hè thu gieo trồng muộn nên vụ mùa tập trung xuống giống từ 30/8 đến 30/9. Do vậy, các địa phương cần nắm chắc tình hình thời tiết, nguồn nước để xây dựng kế hoạch sản xuất, bố trí thời vụ phù hợp với tình hình của từng vùng, từng địa bàn. Đồng thời hướng dẫn nông dân chuẩn bị tốt các điều kiện về giống, đất đai để chủ động trong sản xuất.
Đối với huyện Đức Linh, Tánh Linh, các vùng thường xảy ra lũ quét, vùng ngập sâu không bố trí sản xuất vụ mùa mà chuyển sang sản xuất vụ đông xuân sớm để tránh được lũ chính vụ trong tháng 9, 10. Những chân ruộng cao hoặc ruộng sản xuất 2 vụ lúa, ruộng có điều kiện thì nên chuyển sang sản xuất các cây trồng cạn, như bắp, rau, đậu các loại để hạn chế thiệt hại về dịch bệnh. Đặc biệt, sau khi thu hoạch lúa vụ hè thu, phải tập trung vệ sinh đồng ruộng. Song song tiến hành làm đất kỹ mới gieo trồng vụ mùa. Việc gieo trồng phải tập trung đồng loạt theo từng vùng, từng cánh đồng để phòng, chống và hạn chế tối đa rầy nâu và dịch bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá.
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa xác nhận để tăng cường sức đề kháng của cây lúa như kháng rầy, kháng bệnh... Nên sử dụng các giống lúa ngắn ngày để tránh hạn cuối vụ và trễ vụ sản xuất đông xuân 2022 - 2023... Việc tổ chức phun thuốc để phòng trừ sâu bệnh phải ra quân đồng loạt, đúng quy định. Thường xuyên kiểm tra hệ thống thủy lợi, cải tạo, nâng cấp thủy lợi nội đồng để chủ động tiêu nước trong mùa mưa lũ và tích trữ nước khi vào mùa khô hạn. Phối hợp với đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tổ chức quản lý, bảo vệ chặt chẽ nguồn nước, tránh thất thoát, lãng phí, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả. Đối với những vùng sản xuất cây trồng bị thiệt hại do thiên tai, cần khẩn trương triển khai các biện pháp kỹ thuật để hạn chế thấp nhất thiệt hại, kịp thời khôi phục sản xuất. Với việc tuân thủ theo đúng hướng dẫn của đơn vị chuyên môn và kinh nghiệm trồng trọt của nông dân, tin rằng vụ mùa 2022 sẽ không bị kéo dài thời vụ gieo trồng, đạt kết quả tốt nhất.