Niềm tin của Dân – sức mạnh của Đảng. Bài 2
Chính trị - Ngày đăng : 05:23, 07/09/2022
“Với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung vào những vấn đề trọng điểm, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, từ một tỉnh điểm xuất phát thấp, Bình Thuận chuyển mình mạnh mẽ, toàn diện, tạo được thế và lực mới trong giai đoạn tiếp theo. Nhờ đó, năng lực lãnh đạo, uy tín của đội ngũ cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng trong nhân dân tiếp tục được nâng lên. Đây chính là thành tựu lớn nhất trong công tác xây dựng Đảng của toàn Đảng bộ” – Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An chia sẻ.
Lãnh đạo, chỉ đạo những vấn đề trọng điểm
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An cho biết: Kế thừa truyền thống và những giá trị tốt đẹp từ những lớp đảng viên trung kiên trong các cuộc kháng chiến, 30 năm qua, cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Bình Thuận qua từng thời kỳ đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Trước hết, đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn vững tin và trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm xây dựng quê hương Bình Thuận ngày càng giàu đẹp hơn. Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức luôn được chú trọng; việc thực hiện các chỉ thị của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các Nghị quyết Hội nghị Trung ương về xây dựng và chỉnh đốn Đảng được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, tạo được sự chuyển biến toàn diện trong hệ thống chính trị; tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật của đội ngũ cán bộ, đảng viên tiếp tục được nâng lên. Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy các khóa đã tập trung chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đội ngũ đảng viên ngày càng trưởng thành, số lượng tăng lên; nếu như năm 1992, Đảng bộ tỉnh có chưa đến 8.500 đảng viên, thì đến nay toàn Đảng bộ có hơn 38.300 đảng viên. Hệ thống tổ chức Đảng được xây dựng rộng khắp, không còn tình trạng thôn, khu phố, trường học, trạm y tế “trắng” đảng viên.
Đặc biệt, sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 30/7/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị”; Đảng bộ tỉnh Bình Thuận đã tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo và đạt được kết quả tích cực trên nhiều phương diện. Trước hết, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, ban hành các nghị quyết, trên cơ sở cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương gắn với tình hình cụ thể của địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và công tác dân vận. Bên cạnh đó, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo thực hiện tốt công tác dân vận, khối đại đoàn kết toàn dân thường xuyên được vun đắp, củng cố và phát huy. Các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đều được nhân dân đồng tình ủng hộ và triển khai thực hiện. Rõ nét nhất, vận động hiến đất, vận động giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các công trình trọng điểm của quốc gia, của tỉnh… được xây dựng, nhân rộng và phát huy, có sức lan tỏa rộng rãi trong xã hội, tạo được nhiều kết quả rất thiết thực góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An đánh giá, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị”; bên cạnh những kết quả tích cực đáng ghi nhận, thẳng thắn nhìn nhận phương thức lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Bình Thuận vẫn còn những hạn chế. Đó là, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên, nhất là ở thôn, khu phố, địa bàn dân cư còn bất cập. Công tác cán bộ chưa có nhiều đột phá, đội ngũ cán bộ vẫn còn tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu”. Phương thức lãnh đạo của cấp ủy một số nơi chậm đổi mới, chưa theo kịp yêu cầu; vẫn còn tình trạng cấp ủy bao biện làm thay chính quyền và vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng, phải kiểm điểm và bị xử lý kỷ luật. Điều đáng quan tâm là tình trạng cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống vẫn còn diễn ra nhưng chưa được kịp thời phát hiện để chấn chỉnh, khắc phục, dẫn tới nhiều cán bộ phải xử lý kỷ luật, trong đó có cả xử lý hình sự. Đây là “tổn thất” rất lớn đối với Đảng bộ tỉnh Bình Thuận về cán bộ, về uy tín và niềm tin, là bài học kinh nghiệm sâu sắc và đắt giá của Đảng bộ tỉnh Bình Thuận trong quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong thời gian tới.
Trong tình hình mới, Đảng bộ tỉnh Bình Thuận nhận thức rõ yêu cầu phải thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Để làm được điều đó, Đảng bộ tỉnh Bình Thuận sẽ triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời chỉ đạo của Trung ương về việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Trong đó, Đảng bộ tỉnh Bình Thuận sẽ chú trọng nâng cao năng lực xây dựng và ban hành các chủ trương, nghị quyết của Đảng; lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng. Cùng với đó, cấp ủy các cấp cần phải chú ý lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, thống nhất, khắc phục tình trạng bao biện, làm thay, nhưng không buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng.
Kế đến, Đảng bộ tỉnh Bình Thuận sẽ nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cải tiến, đổi mới phương pháp, quy trình, kỹ năng thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Quá trình đó, tập trung vào các biện pháp chủ động phát hiện sớm, phòng ngừa, ngăn chặn từ xa những khuyết điểm, vi phạm của tổ chức Đảng, đảng viên, nhất là trên những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực. Tăng cường công tác tự kiểm tra ở cơ sở để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, uốn nắn những “khuyết điểm nhỏ”, không để kéo dài, trở thành những “sai phạm lớn”. Một giải pháp quan trọng nữa đó là chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trước hết, xây dựng cán bộ là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi trội, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết. Chú ý triển khai Kết luận số 14 về “chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”; khơi dậy khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ.
Mặt khác, Đảng bộ tỉnh Bình Thuận sẽ tăng cường lựa chọn, bố trí cán bộ có đầy đủ phẩm chất đạo đức, uy tín, năng lực công tác thông qua thi tuyển và thông qua tiến cử của người đứng đầu vào hệ thống chính trị, đi liền với chống chạy chức, chạy quyền, hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ; mọi quyết định về công tác cán bộ phải khách quan, trong sáng, đúng tinh thần “vì công việc” mà chọn cán bộ phù hợp. Thực hiện nghiêm việc kiểm soát quyền lực, không để độc đoán, chuyên quyền, thao túng lợi ích, không để xảy ra tình trạng “lợi ích nhóm”… gắn chặt với công tác kiểm tra, giám sát, nhất là ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả, thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.
“Không thể không đổi mới. Mỗi một giai đoạn cách mạng có một yêu cầu khác. Vì vậy, quá trình đổi mới là quá trình liên tục, phù hợp với yêu cầu từng giai đoạn của cách mạng. Không đổi mới sẽ là cản trở quá trình phát triển của cách mạng” – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo khoa học quốc gia chủ đề “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị - những vấn đề lý luận và thực tiễn” tổ chức vào tháng 6/2022.