Kỳ vọng trở thành tâm điểm phát triển kinh tế cho Bình Thuận

Kinh tế - Ngày đăng : 05:11, 08/09/2022

Người dân Bình Thuận rất vui mừng được đón Thủ tướng Chính phủ, cùng các bộ, ban, ngành của Trung ương dự lễ khởi công Khu công nghiệp Sơn Mỹ I nhân dịp tỉnh kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh.

Việc phát triển các khu công nghiệp nông thôn không chỉ giải được bài toán “ly nông mà không ly hương”, mà còn giúp cuộc sống người lao động địa phương không những giảm bớt khó khăn về mặt kinh tế, còn được đầy đủ tinh thần bằng cách sống và làm việc, sinh hoạt ngay trên mảnh đất quê hương của mình.

dsc_1523.jpg

Tỉnh Bình Thuận qua 30 năm tái lập tỉnh đã có rất nhiều đổi mới và phát triển, đạt được bước tiến dài trên hành trình từ một tỉnh nghèo nay trở thành tỉnh phát triển của khu vực. Nhờ biết phát huy lợi thế tỉnh Bình Thuận đã từng bước đi đúng hướng khi xác định được 3 trụ cột phát triển gồm: du lịch, năng lượng tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao... Đóng góp vào những thành công chung ấy không thể không kể đến những dấu ấn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Phía bắc tỉnh có thế mạnh về kinh tế biển, phát huy thế mạnh ấy, Bình Thuận đã chủ động đề xuất và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mũi Né, đây được xem là cơ chế để phát huy lợi thế khu vực ven biển phía bắc tỉnh Bình Thuận. Ngoài ra, khu vực ven biển phía nam tỉnh cũng có nhiều tiềm năng, điều kiện rất thuận lợi để hình thành khu kinh tế ven biển, trong đó có Khu công nghiệp Sơn Mỹ, thuộc huyện Hàm Tân.

Hiện trạng ở khu vực phía nam tỉnh có hạ tầng, đất đai, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, trong đó lấy khu vực xã Sơn Mỹ làm trung tâm đáp ứng điều kiện thành lập khu kinh tế ven biển, bởi khu vực này có quy hoạch cảng nước sâu Sơn Mỹ, cách cảng nước sâu Cái Mép khoảng 70 km, cách sân bay quốc tế Long Thành, sân bay Phan Thiết khoảng 90 km, đường bộ kết nối liên hoàn với các địa bàn trong vùng và đối ngoại qua quốc lộ 55, quốc lộ 1A, cao tốc Bắc - Nam khoảng 30 km. Đất đai ở khu vực này cũng đủ khả năng bố trí trên 10.000 ha đất để đáp ứng yêu cầu phát triển khu kinh tế, có khả năng thu hút dự án, công trình đầu tư với quy mô lớn, quan trọng và có tác động tới sự phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực. Có khả năng phát huy tiềm năng tại chỗ và tạo ảnh hưởng phát triển lan tỏa đến các khu vực xung quanh. Khu vực này không có các khu bảo tồn thiên nhiên, không gây ảnh hưởng xấu và làm tổn hại đến các di sản văn hóa vật thể, danh lam thắng cảnh, các quần thể kiến trúc có giá trị lịch sử. Khu vực này còn có điều kiện đảm bảo yêu cầu về môi trường, môi sinh và phát triển bền vững.

Khu công nghiệp Sơn Mỹ I có quy mô 1.070 ha, tổng vốn hơn 2.300 tỷ đồng, lớn nhất tỉnh Bình Thuận, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Với định hướng trọng tâm phát triển lĩnh vực năng lượng, dự án có hơn 430 ha đất xây dựng các nhà máy, xí nghiệp, trong đó nổi bật là 2 nhà máy điện khí Sơn Mỹ 1 và 2 có tổng công suất 4.500 MW, kho cảng khí LNG khoảng 100 ha gắn với cảng tổng hợp Sơn Mỹ. Ngoài ra, dự án còn có phân khu chuyên sản xuất các trang thiết bị phụ trợ phục vụ cho việc phát triển các ngành công nghiệp năng lượng xanh như: điện gió, điện mặt trời và nhiều hạng mục khác. Đây là một trong những khu công nghiệp thông minh và thân thiện với môi trường, là điểm sáng về thu hút đầu tư của tỉnh cũng như góp phần vào sự phát triển bền vững cho ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam. Nhờ vào sự cộng hưởng giữa vị trí chiến lược đắt giá với hạ tầng đồng bộ, hoàn chỉnh cùng môi trường đầu tư thông thoáng, Khu công nghiệp Sơn Mỹ I thu hút sự quan tâm và đồng hành từ các tập đoàn uy tín hàng đầu như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn AES (Hoa Kỳ), Liên danh các nhà đầu tư bao gồm Tập đoàn Électricité De France (Pháp), Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản), Tập đoàn Thái Bình Dương, Tập đoàn Kyushu Electric Power (Nhật Bản). Là một trong những dự án quan trọng giữ vai trò hạt nhân thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp năng lượng của tỉnh Bình Thuận, góp phần nâng tầm vị thế cho tỉnh trong cơ cấu tăng trưởng quốc gia.

Với mục tiêu thu hút các dự án quy mô lớn có tổng vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD, Khu công nghiệp Sơn Mỹ I được kỳ vọng khi chính thức đi vào hoạt động và khai thác sẽ trở thành tâm điểm phát triển kinh tế cho tỉnh cũng như các khu vực lân cận. Đồng thời mang đến cơ hội việc làm cho người lao động, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng và tạo ra những tăng trưởng đột phá cho Bình Thuận trong tương lai.

THANH QUANG