Nông nghiệp Bình Thuận: Hướng công nghệ cao và vùng sản xuất tập trung

Kinh tế - Ngày đăng : 10:04, 07/09/2022

Phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao là đòi hỏi tất yếu trong thời gian tới. Tuy nhiên, để từ “mục tiêu” trở thành “hiện thực”, người đứng đầu ngành nông nghiệp tỉnh cho rằng, cần đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Gắn với nhu cầu thị trường

Ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, toàn tỉnh hiện có 23.780 ha cây trồng được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Trong đó có 63 trang trại chăn nuôi heo, gà tập trung được áp dụng công nghệ cao, tự động hóa. Ngoài ra, có 10 doanh nghiệp sản xuất tôm giống quy mô lớn, công nghệ cao, hiện đại… Tuy nhiên, thực tế cần nhìn nhận, kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp hiện nay của tỉnh chưa đáp ứng tốt yêu cầu. Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún. Liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp chưa hiệu quả, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn khó khăn.

z3702133264452_2c5caecff5716f9e3e64ef691f3cb0b9.jpg
Chăn nuôi khép kín tại Hàm Thuận Bắc

Trong khi đó, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, thị trường tiêu thụ nông sản của Việt Nam ngày càng được mở rộng, cơ cấu sản xuất hiệu quả hơn và gắn với nhu cầu thị trường. Nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao đã được triển khai đem lại giá trị hàng hóa lớn, thu nhập cao và thân thiện môi trường. Chính vì vậy, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng, trong thời gian tới Bình Thuận sẽ nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Bình Thuận. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 20%. Phấn đấu đến năm 2030, ngành nông nghiệp của tỉnh đạt trình độ khá về ứng dụng công nghệ cao. Các vùng sản xuất tập trung và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao dự kiến lựa chọn trong thời kỳ tới là tỉnh sẽ xây dựng vùng sản xuất tập trung lúa giống và lúa thương phẩm chất lượng cao, hướng đến xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao và lúa gạo đặc sản mang thương hiệu của tỉnh.

z3702131581461_66680a627575a2922b29e8769b9fa292.jpg
Trồng dưa lưới theo hướng công nghệ cao

Hình thành các vùng sản xuất tập trung

Cụ thể, vùng trồng lúa chất lượng cao bố trí tại các huyện Tánh Linh, Đức Linh, vùng sản xuất giống lúa nguyên chủng, siêu nguyên chủng tại huyện Hàm Thuận Bắc. Về vùng trồng thanh long, sẽ ổn định diện tích cây thanh long trên toàn tỉnh đến năm 2030 khoảng 30.000 ha. Vùng phát triển thanh long tập trung chính ở các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình. Định hướng hình thành vùng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP khoảng 20.000 - 22.000 ha, chiếm khoảng 70 - 75% diện tích. Đặc biệt, vùng thanh long ứng dụng công nghệ cao khoảng 3.500 ha tại các huyện Hàm Thuận Nam 2.000 ha, Hàm Thuận Bắc 1.300 ha, Bắc Bình 200 ha. Cùng với đó, đầu tư xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thanh long với quy mô 52 ha tại Trạm thực nghiệm xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam.

Về vùng trồng rau an toàn, phát triển sản xuất rau, củ, quả thực phẩm theo hướng VietGAP phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh. Phát triển vùng chuyên canh rau an toàn với quy mô khoảng 1.200 ha, trong đó vùng tập trung ứng dụng công nghệ cao tại các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh với quy mô khoảng 200 ha. Ngoài trồng trọt, tỉnh phát triển vùng chăn nuôi tập trung, với việc phát triển chăn nuôi bò (bò thịt, bò sữa) theo hướng trang trại, tập trung tại Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân. Định hướng đến năm 2030 hình thành vùng nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Hàm Thuận Nam 500 ha và thị xã La Gi 300 ha…

Đồng thời, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nhất là đầu tư hệ thống giao thông, điện, thủy lợi nội đồng để đáp ứng yêu cầu ứng dụng được cơ giới hóa, vận chuyển hàng hóa. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư tìm hiểu cơ chế, chính sách, thủ tục, tiềm năng thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh nhằm cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi phù hợp. Ngoài ra, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Phát huy hiệu quả công nghệ số, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nhằm hướng đến sản xuất công nghệ cao và vùng sản xuất tập trung trong thời gian tới.

Kiều Hằng