Phát triển kinh tế xanh, nhanh, bền vững

Kinh tế - Ngày đăng : 05:58, 09/09/2022

Trong bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh Bình Thuận vào sáng 31/8/2022 có đoạn: ...“Bình Thuận phải phát triển kinh tế xanh, nhanh, bền vững.

Quá trình đó, cần lưu ý đến sự lãnh đạo chỉ đạo tổ chức thực hiện, đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát triển hạ tầng chiến lược, xây dựng cơ chế chính sách, bảo vệ môi trường chống biến đổi khí hậu”. Trên cơ sở đó, tôi có một số ý kiến xoay quanh nội dung trên, cụ thể là: Hiểu thế nào là kinh tế xanh? Vì sao Bình Thuận phải phát triển kinh tế xanh? Trước mắt tỉnh Bình Thuận cần tập trung những giải pháp như thế nào để hướng đến phát triển kinh tế xanh, nhanh, bền vững?

cac-du-an-dien-gio-o-tuy-phong-anh-nl-1-.jpg

Kinh tế xanh (Green Economic) là khái niệm đã trở nên quen thuộc với các nền kinh tế trên thế giới. Đây là một nền kinh tế nhằm cải thiện đời sống con người và tài sản xã hội, đồng thời chú trọng giảm thiểu những hiểm họa môi trường và sự khan hiếm tài nguyên (theo Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc – 2010). Vì vậy việc phát triển nền kinh tế xanh đang là xu hướng tất yếu của một nền kinh tế. Hiện nay, kinh tế xanh được hiểu là sự kết hợp giữa 3 yếu tố: Kinh tế - xã hội – môi trường. Kinh tế xanh có tính chất bền vững, có nghĩa đó là những hoạt động (trong nền kinh tế) tạo ra lợi nhuận hoặc giá trị có ích lợi, hướng đến phát triển cuộc sống của cộng đồng xã hội con người (đặc biệt là yếu tố văn hóa); đồng thời, những hoạt động này thân thiện với môi trường (thành yếu tố quan trọng). Như vậy việc phát triển kinh tế xanh ở tỉnh Bình Thuận đòi hỏi một nhiệm vụ cấp bách đầu tiên đó là: Đẩy mạnh những giải pháp ứng phó về tình trạng biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên môi trường. Bởi vì biến đổi khí hậu tác động đến tất cả các ngành, nghề trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, du lịch... tác động đến một số lĩnh vực lao động và xã hội của địa phương, từ đó đã làm giảm đi nguồn sinh kế của người dân, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân... Điển hình là những năm gần đây, do tác động của tình hình biến đổi khí hậu (nhiệt độ trung bình năm tăng, tình trạng xâm nhập mặn, thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan...) đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế của tỉnh nhà, mà cụ thể là: Năm 2014 đến nay, nắng hạn đã làm thiệt hại ít nhất gần 1.400ha lúa và hoa màu ở các huyện Bắc Bình, Hàm Tân, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, trong đó diện tích mất trắng 25%. Dịch bệnh cây trồng và vật nuôi xuất hiện nhiều nơi, hiện tượng sa mạc hóa ngày càng trầm trọng ở các huyện ven biển mà hiện nay tỉnh có hơn 80.000 ha diện tích bị hoang mạc hóa (chiếm gần 11% tổng diện tích tự nhiên). Ngành thủy sản hàng năm vì ảnh hưởng các cơn bão, áp thấp nhiệt đới đã gây khó khăn cho việc khai thác, đánh bắt và nuôi trồng vì số ngày ra khơi bị hạn chế, sản lượng suy giảm. Ngành du lịch thì tình trạng ô nhiễm biển, nước biển xâm thực, nước biển dâng... gây nên tình trạng xói lở bờ biển tại các địa phương ven biển phát triển du lịch như thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi, huyện Tuy Phong, huyện Hàm Thuận Nam, hiện tượng xói lở nhiều nơi đã tàn phá nhà cửa và đe dọa đến tính mạng nhiều hộ dân sống ven biển.

Vì vậy để đáp ứng yêu cầu phát triển của một tỉnh có nền kinh tế xanh, nhanh, bền vững, trước mắt là cải thiện môi trường thông qua xanh hóa nền kinh tế, khắc phục và hạn chế những tác động tiêu cực của phát triển kinh tế tới môi trường cụ thể là: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân trong ứng phó biến đổi khí hậu. Cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi từng vùng gắn với việc sử dụng đất một cách linh hoạt và hiệu quả, nâng cấp hệ thống đê điều, đê bao chắn sóng, các công trình chống sạt lở ven sông, ven biển, quản lý bảo vệ rừng tự nhiên, tăng diện tích rừng trồng. Đối với công nghiệp là khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo và hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu khí và khí thiên nhiên...).

Chuyển đổi nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế xanh là xu hướng nhiều nước trên thế giới đang hướng tới. Để có hướng đi bền vững, lãnh đạo tỉnh nhà cần có một kế hoạch tổng thể làm cơ sở cho các ý tưởng phát triển xanh được đi vào hoạt động.

Lê Phương