Không để xảy ra cháy gây hậu quả nghiêm trọng do lỗi chủ quan

Pháp luật - Ngày đăng : 14:18, 12/09/2022

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo như vậy tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 83 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn cứu hộ (CNCH) của lực lượng PCCC, diễn ra sáng 12/9.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Tại điểm cầu Bình Thuận, dự hội nghị có đồng chí Lê Tuấn Phong – Chủ tịch UBND tỉnh.

Bộ Công an cho biết, trong 5 năm (từ 2017 – 2021), toàn quốc xảy ra hơn 17.000 vụ cháy làm chết 433 người, bị thương 790 người, thiệt hại về tài sản trên 7.000 tỷ đồng, 7.500 ha rừng. Cả nước còn xảy ra 149 vụ nổ làm 64 người chết, 190 người bị thương. 8 tháng năm 2022, toàn quốc xảy ra 1.136 vụ cháy làm 57 người chết, 52 người bị thương. 45,8% vụ cháy xảy ra do sự cố hệ thống, thiết bị điện, 26,3% vụ do bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt. Hơn 45% vụ cháy tập trung trong khu vực dân cư, nhà dân, nhà ở kết hợp kinh doanh; 30% vụ cháy xảy ra ở các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà kho.

z3715246125832_a0a724b693fffd88ccb16981e24835fb.jpg
Đồng chí Lê Tuấn Phong – Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành dự hội nghị tại điểm cầu Bình Thuận.

Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về PCCC và phòng ngừa sự cố tai nạn đối với nhà, công trình; công tác phối hợp trong CNCH; thực trạng, giải pháp hoàn thiện quy định về CNCH; giải pháp xây dựng lực lượng dân phòng trước yêu cầu PCCC và CNCH. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng nêu bài học rút ra từ vụ cháy quán karaoke ngày 6/9, đồng thời kiến nghị giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và CNCH đối với loại hình này.

Bình Thuận từ tháng 8/2017 đến nay, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tiếp nhận và tổ chức CNCH 81 vụ (8 vụ đối tượng sử dụng ma túy đá gây mất trật tự, 55 vụ đuối nước, 9 vụ có người mắc kẹt do tai nạn giao thông, 4 vụ nạn nhân mắc kẹt dưới giếng, hố sâu, 3 vụ rò rỉ hóa chất, 1 vụ chìm tàu, 1 vụ tự tử).

Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và kết quả đạt được của các ngành địa phương trong thực hiện quy định PCCC và CNCH. Tuy nhiên, công tác thanh tra kiểm tra về PCCC và CNCH còn ít, có nơi buông lỏng; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bộc lộ nhiều bất cập; công tác quy hoạch chưa coi trọng PCCC. Nhấn mạnh PCCC và CNCH là nhiệm vụ rất quan trọng, thường xuyên, bởi liên quan trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới phải triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp PCCC, nâng cao kỹ năng thoát nạn cho người dân, tuyệt đối không để xảy ra cháy dẫn đến chết người, gây thiệt hại nghiêm trọng do lỗi chủ quan của ngành chức năng, địa phương.

Xây dựng chế độ phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Quân đội, Công an và các lực lượng khác trong thực hiện nhiệm vụ PCCC và CNCH; xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, tinh thông về nghiệp vụ, kỹ thuật, chiến thuật CNCH. Tập trung hoàn thiện quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2030. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác PCCC và CNCH. Kiện toàn, củng cố lại các lực lượng tại chỗ làm công tác PCCC và CNCH tại cơ sở; nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định PCCC của cơ sở; tập trung điều tra, xử lý trách nhiệm những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định PCCC và CNCH…

LÊ PHÚC