Nắng nóng, nuôi tôm khó khăn từ đầu vụ
Kinh tế - Ngày đăng : 08:39, 21/05/2018
Anh Mới chăm sóc ao tôm thả vụ mới. |
Theo một cán bộ khuyến nông xã Chí Công cho biết, trước đây tại xã nghề nuôi tôm giúp nông dân đổi đời chỉ sau 1 vụ nuôi. Có nhiều người ở các tỉnh, thành khác đến Chí Công thuê cả mấy chục ha đất nuôi tôm. Sau đó môi trường nuôi ngày càng khó khăn nên diện tích nuôi tôm ở xã đang dần thu hẹp. Có mặt tại vùng đìa chuyên canh tôm thẻ chân trắng ở Chí Công không khí có vẻ trầm lắng hơn mọi năm, nhiều đìa tôm trơ đáy, bỏ hoang, có hồ đã chuyển sang nuôi ốc hương. Các hộ nuôi tôm cho biết, từ đầu năm đến nay, thời tiết không thuận lợi, môi trường ao nuôi không đảm bảo cộng với trời nắng nóng liên tục kéo dài, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm đã làm cho tôm nuôi bị sốc môi trường, sức đề kháng yếu nên bệnh trên tôm xuất hiện nhiều, hầu hết vụ tôm sau tết đều thua lỗ. Một số bệnh phổ biến trên tôm như: gan, đường ruột,… người nuôi tự điều trị khỏi, riêng bệnh đỏ thân khó trị nhất nên người nuôi phải chịu cảnh mất trắng. Anh Nguyễn Văn Mới ở thôn Hà Thủy 1 từ Cà Mau đến Chí Công thuê đất nuôi tôm đã 4 năm. Năm đầu tiên được xem tương đối thành công cho lãi khá, nhưng 2 năm gần đây anh Mới chỉ hòa vốn. “Năm nay nuôi tôm gặp khó khăn ngày từ đầu vụ, vừa phải thu hoạch sớm “né” bệnh, tôi thả 2 sào tôm thì mất trắng 1 sào khi tôm 40 ngày tuổi bị đỏ thân”, anh Mới nói. Cũng theo anh Mới, tôm bị bệnh đỏ thân phát rất nhanh, ban đầu tôm bỏ ăn bơi lờ đờ trên mặt nước, vài ngày sau tôm chết đỏ hồ. Bệnh đỏ thân xuất hiện trên tôm vài chục ngày tuổi là mất trắng, chỉ riêng tiền con giống 1 sào đã mất 50 triệu đồng chưa tính chi phí thức ăn, điện,…”.
Ông Lê Văn Dũng ở TP. Hồ Chí Minh ra Chí Công thuê 18 ha đất nuôi tôm năm nay cũng kém vui. Cách đây hơn 1 tháng hồ nuôi của ông Dũng có 2 ao thiệt hại do tôm bị đỏ thân thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Sau khi cải tạo ao, tháo nước nghỉ chừng 10 ngày ông Dũng thả lứa mới trên diện tích 8 ao. Ông Dũng nói: “Ở miền Tây nghe nói tôm rớt giá còn vài chục ngàn, nuôi tôm bây giờ như đánh cược may rủi, chưa kể thời tiết bây giờ nắng nóng tôm dễ bị dịch bệnh tấn công”. Với kinh nghiệm hơn 10 năm nuôi tôm ở đây ông Dũng chia sẻ: Tôm bệnh chủ yếu xuất phát từ nguồn nước và con giống. Phải đặc biệt thận trọng nguồn nước, lót vải bạt kỹ càng xung quanh ao, thả tôm giống đúng kích cỡ quy định với mật độ vừa phải, giữa 2 đợt nuôi, thời gian cần thiết để phơi và cải tạo môi trường ao nuôi trước khi cho nước…
Toàn xã Chí Công hiện còn 19 hộ nuôi với diện tích 10 ha, sản lượng tôm thịt từ đầu năm đến nay đạt trên 85 tấn. Ông Dương Công Nhựt – Phó Chủ tịch UBND xã Chí Công cho biết: Hiện tượng tôm bị bệnh chết rải rác vẫn thường xảy ra trên các ao nuôi. Để hạn chế bệnh gây hại, các hộ phải thực hiện triệt để các biện pháp xử lý chất thải nuôi tôm. Bởi trong quá trình nạo vét bùn đáy để cải tạo ao nuôi tôm hàng năm, chất thải với vô số các loại hóa chất, kháng sinh còn tồn dư trong đất cộng với nước từ các ao tôm với các mầm bệnh khi thải ra môi trường, sẽ gây khó khăn cho các hộ nuôi khác khi lấy phải nguồn nước nhiễm bệnh vụ trước khi nuôi mới.
Thanh Duyên