Thành phố Phan Thiết: Phấn đấu trở thành đô thị loại I
Xã hội - Ngày đăng : 05:53, 14/09/2022
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng
Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết Phan Nguyễn Hoàng Tân cho biết: Đồng hành với sự phát triển của tỉnh trong thời gian qua, Phan Thiết đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Điểm nổi bật của thành phố trong những năm qua là cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Các ngành dịch vụ, thương mại phát triển nhanh, phong phú, đa dạng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố. Kết cấu hạ tầng đô thị từng bước được đầu tư xây dựng theo hướng đô thị loại I. Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân cải thiện rõ rệt. Thu ngân sách của thành phố những năm gần đây đạt trên 1.800 tỷ đồng/năm. Đây là yếu tố quan trọng tạo nên sự thay đổi toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, góp phần củng cố, đảm bảo quốc phòng - an ninh tại địa phương.
Theo ông Tân, trong lộ trình phấn đấu trở thành đô thị loại I của Phan Thiết vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Nổi rõ nhất là hệ thống giao thông đối ngoại đến thành phố còn hạn chế, quy hoạch phát triển thành phố khu vực ven biển chồng lấn quy hoạch khoáng sản titan, nên thành phố chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn. Đại dịch Covid-19 phức tạp, khốc liệt, khó lường nên những năm 2020 và 2021, cả thành phố dồn sức chống dịch, kinh tế phát triển không đạt kỳ vọng; nguồn lực dự kiến cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng một phần phải chi cho công tác chống dịch. Mặt khác, do điểm xuất phát là đô thị nhỏ, cùng với nguồn lực cho đầu tư phát triển đô thị còn hạn chế, nên tổng thể sự phát triển đô thị Phan Thiết chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương, chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân dân thành phố.
So sánh các đô thị biển của các tỉnh khác thì hiện trạng đô thị TP. Phan Thiết vẫn còn cũ kĩ. Một số trục giao thông cửa ngõ vào thành phố chưa được đầu tư. Các tuyến phố chính đô thị (như Trần Hưng Đạo, Thủ Khoa Huân...) mặt đường, vỉa hè xuống cấp, hư hỏng. Giao thông kết nối khu vực phía nam thành phố còn rất hạn chế. Cùng với đó, hệ thống thoát nước đô thị chưa được đầu tư đồng bộ; hệ thống dây điện, cáp viễn thông, cáp truyền hình chưa được ngầm hóa, tạo nên mạng nhện vừa không mỹ quan vừa không an toàn. Trong trung tâm đô thị vẫn tồn tại nhiều khu nhà chồ, tập trung dọc hai bên bờ sông Cà Ty. Rác thải sinh hoạt vẫn còn đang chôn lấp, nhà máy xử lý rác chưa đưa vào hoạt động…
Mặt khác, thành phố được xác định là trung tâm du lịch thể thao biển mang tầm quốc gia, tuy nhiên, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển đô thị biển với quy hoạch phát triển du lịch. Quy hoạch chưa có sự đột phá nên còn thiếu cơ sở hạ tầng lớn, hiện đại. Trục giao thông đô thị ven biển chưa được đầu tư bài bản, quy hoạch bị chia cắt thành những đoạn ngắn, không thông suốt.
Hiện đại hóa kết cấu hạ tầng
Với mục tiêu: Xây dựng TP. Phan Thiết là “trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh”; đồng thời, xây dựng đô thị Phan Thiết hướng đến các tiêu chí đô thị loại I đến năm 2025, là đô thị trung tâm phía Nam của vùng duyên hải Nam Trung bộ, xây dựng Phan Thiết trở thành đô thị du lịch.
Để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí đô thị loại I, theo ông Tân, trong giai đoạn đến năm 2025 và năm 2030, thành phố sẽ nỗ lực phát triển đô thị Phan Thiết cho từng vùng. Cụ thể, ở khu vực nam sông, phát triển đô thị kết nối đến khu vực du lịch Tiến Thành, trong đó giai đoạn đến năm 2025, tập trung triển khai các dự án đường ĐT.719B, đường Hàm Kiệm – Tiến Thành để kết nối lên đường bộ cao tốc, tạo động lực phát triển du lịch và khai thác tiềm năng quỹ đất; làm mới cầu Văn Thánh để kết nối Phú Tài, Phú Trinh với khu vực nam sông, mở rộng đô thị Phan Thiết; cải tạo, nâng cấp đường Trần Quý Cáp để chỉnh trang cửa ngõ phía nam vào thành phố. Đồng thời thành phố cũng đã điều chỉnh quy hoạch đường ven biển Trần Lê, đường Trương Văn Ly nối dài để chủ động triển khai khi có điều kiện.
Đối với khu vực trung tâm, trọng tâm là triển khai dự án cải tạo kè bờ sông Cà Ty (trong đó, đoạn từ cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm đầu tư từ vốn ngân sách, các đoạn còn lại sử dụng vốn vay ADB); tập trung cải tạo nâng cấp các tuyến phố chính như Trần Hưng Đạo, Thủ Khoa Huân, làm mới Công viên rừng ngập mặn Hùng Vương, Công viên Thương Chánh, cải tạo Công viên Đồi Dương, hồ Văn Thánh; nâng cấp mặt đường, vỉa hè, giải quyết thoát nước cục bộ để chỉnh trang đô thị. Đồng thời, quy hoạch mở rộng không gian đô thị thành phố phía nam về hướng Tiến Lợi, Tiến Thành và phía bắc về hướng Bắc Xuân An.
Khu vực bắc sông sẽ mở rộng không gian đô thị gắn với cảng hàng không Phan Thiết và Khu du lịch quốc gia Mũi Né. Để nâng chất lượng đô thị, thành phố sẽ triển khai dự án hệ thống thu gom và xử lý nước thải khu vực Hàm Tiến, Mũi Né; cải tạo nâng cấp tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu và Huỳnh Tấn Phát; quy hoạch kết nối khu vực Mũi Né đến đường bộ cao tốc qua trục đường ĐT.711.
Riêng đối với khu vực ven biển, thành phố đã đề xuất vào quy hoạch tỉnh tuyến đường ven biển thông suốt từ Tiến Thành đến Hàm Tiến, theo đó đề xuất 2 vị trí cầu vượt, 1 tại cửa sông Cà Ty để kết nối từ khu vực Công viên Thương Chánh đến khu vực nam cảng Phan Thiết và 1 cầu vượt tại cửa sông Phú Hài. Đồng thời, thành phố cũng có kế hoạch xã hội hóa việc cải tạo các bãi tắm ở khu vực Tiến Thành, đá ông Địa, khu vực Mũi Né; đầu tư thêm các tuyến đường xuống biển để phục vụ người dân và du khách.
Mặt khác, để nâng cao chất lượng đô thị, thành phố quyết tâm xây dựng đô thị thông minh, lấy người dân là trung tâm phục vụ, đồng thời người dân sẽ cùng tham gia giám sát, quản lý đô thị. Theo đó, năm 2022 đưa vào khai thác thí điểm trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC) của thành phố với 4 phân hệ là: nền tảng IOC; phân hệ phản ánh hiện trường là kênh tương tác trực tiếp với người dân; phân hệ giám sát hiện trường qua hệ thống camera an ninh và camera tầm cao; phân hệ giám sát thông tin mạng. Giai đoạn đến 2025 hoàn thiện trung tâm IOC thành phố đầy đủ các phân hệ bao gồm phần mềm, phần cứng, đảm bảo an toàn thông tin.
Trở thành đô thị loại I đang là mục tiêu được cấp ủy, chính quyền thành phố Phan Thiết nỗ lực thực hiện, nhân dân đồng lòng ủng hộ. Đây được xem là tiền đề quan trọng để Phan Thiết tiếp tục thực hiện và hoàn tất những kế hoạch lớn hơn, mang tính vĩ mô và bền vững hơn, qua đó từng bước xây dựng Phan Thiết xứng danh là trung tâm du lịch và dịch vụ cấp quốc gia và quốc tế.