Tiêu thụ nông sản: Xác định tầm quan trọng của mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói
Kinh tế - Ngày đăng : 05:24, 15/09/2022
Yêu cầu bắt buộc của nơi nhập khẩu
Từ năm 2018, khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc có yêu cầu tất cả các lô hàng trái cây tươi nhập khẩu vào nước này phải có MSVT và mã số của nhà đóng gói, lúc này các địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan đến các hoạt động xuất khẩu mới thực sự quan tâm đến MSVT và CSĐG.
Tại hội nghị về nội dung liên quan đang diễn ra tại TP. Phan Thiết vào ngày 14/9, ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, hiện nay cả nước đã cấp hơn 5.000 mã số cho các vùng trồng và hơn 1.000 mã số cho CSĐG có nhu cầu xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Trung Quốc... Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức, tỷ lệ diện tích trồng trọt được cấp MSVT chưa cao, mới chỉ tập trung ở một số cây ăn trái chủ lực. Không chỉ vậy, tình trạng mạo danh mã số và vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm hay phòng chống Covid-19 của vùng trồng và CSĐG vẫn còn tồn tại khiến nước nhập khẩu phải cảnh báo hoặc tạm dừng nhập khẩu. Theo ông Thiệt, tính đến tháng 8/2022, qua giám sát định kỳ, Cục Bảo vệ thực vật nhận được thông tin về các lô hàng vi phạm liên quan đến MSVT và CSĐG. Qua đó, đã thu hồi hơn 600 mã số CSĐG và hơn 1.000 MSVT đã hết thời gian giám sát theo quy định.
Tại Bình Thuận, với diện tích thanh long hiện có trên 30.000 ha, sản lượng gần 700.000 tấn/năm, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Do đó, ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng, để tăng cường xuất khẩu chính ngạch thanh long nói riêng và các nông sản khác nói chung cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Một số thị trường yêu cầu phải có MSVT và CSĐG, trong đó có thị trường lớn nhất của thanh long Bình Thuận là Trung Quốc.
Kỳ vọng sự thay đổi
Xác định tầm quan trọng của MSVT, CSĐG trong việc tiêu thụ nông sản, hiện nay ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương, cùng nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh đang từng bước tiếp cận quy trình thiết lập MSVT và CSĐG. Đồng thời, nắm rõ quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng và quản lý thuốc BVTV đáp ứng nhu cầu của thị trường. Qua đó, nhằm duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng cường việc xuất khẩu chính ngạch, ổn định thị trường, hướng tới phát triển bền vững sản xuất nông sản.
Kỳ vọng về việc thực hiện MSVT đang được triển khai, ông Trần Văn Hiệp – Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Hiệp Phát (xã Hồng Liêm, Hàm Thuận Bắc) cho biết: Hiện nay HTX có khoảng 100 ha lúa và thanh long, nhưng chưa có MSVT. Do đó, các sản phẩm của thành viên sản xuất bán với giá bấp bênh, không ổn định, làm ảnh hưởng đến đời sống của các nông dân. Chính vì vậy, HTX hy vọng sẽ được tìm hiểu và áp dụng quy định về MSVT theo yêu cầu của thị trường tiêu thụ để có đầu ra nông sản khởi sắc trong thời gian tới. Còn ông Bùi Quốc Hòa - đại diện HTX thanh long Hàm Thạnh (Hàm Thuận Nam) cũng cho rằng, HTX hiện có 22 thành viên, sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Mặc dù nông dân trong HTX đã biết đến quy định MSVT, nhưng chưa thực hiện được. Chính vì vậy, nếu có sự hướng dẫn, vào cuộc của ngành chuyên môn, chính quyền địa phương, nông dân chúng tôi sẽ thực hiện được, hướng đến thị trường tiêu thụ thanh long ổn định.