Trồng cây xanh để giảm phát thải khí nhà kính
Đời sống - Ngày đăng : 05:48, 15/09/2022
Theo đó, từ nay đến năm 2030 phải quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên hiện có, tăng cường khả năng phòng hộ của rừng đầu nguồn, rừng ven biển, phát triển rừng trồng gỗ lớn và phục hồi cảnh quan rừng. Quản lý bền vững tài nguyên rừng gắn với bảo vệ đa dạng sinh học và nâng cao dịch vụ hệ sinh thái. Tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ, quản lý và phát triển rừng nhằm cải thiện sinh kế, tăng thu nhập và cơ hội việc làm trong lâm nghiệp. Từ nay đến năm 2030, tập trung bảo vệ và hạn chế tối đa chuyển đổi rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên. Đẩy mạnh phục hồi và nâng cao chất lượng và khả năng phòng hộ của rừng ven biển, rừng phòng hộ đầu nguồn. Củng cố và kiện toàn hệ thống giám sát, đánh giá và ứng phó khẩn cấp với cháy rừng, đồng thời tăng tỷ lệ cây xanh tại các đô thị. Bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có ở vùng đồi núi và ven biển nhằm kiểm soát nghiêm ngặt chuyển đổi rừng, mất rừng và suy thoái rừng để giảm phát thải khí nhà kính. Trồng mới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng bằng các loài cây bản địa để tăng cường hấp thụ các-bon. Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng để giảm phát thải từ kiểm soát mất rừng và suy thoái rừng, cháy rừng và đốt sinh khối. Tăng hấp thụ khí nhà kính thông qua tăng chất lượng rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao dịch vụ hệ sinh thái.
Như chúng ta đã biết, Bình Thuận có tổng diện tích đất có rừng hơn 336.132 ha và hơn 6.410 ha rừng mới trồng chưa thành rừng, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 43,02%. Tỉnh xác định việc trồng rừng, trồng cây phủ xanh thảm thực vật là cách bền vững để bảo vệ môi trường, nâng cao khả năng ngấm và trữ nước, cố định cồn cát di động và chống xói mòn đất, phục hồi độ phì của đất, tạo ra những thảm xanh cải tạo tiểu khí hậu trong vùng, góp phần ổn định đời sống cho nhân dân. Đây được xác định là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện thường xuyên, liên tục và lâu dài. Thời gian qua địa phương xác định việc trồng rừng, trồng cây xanh, thảm thực vật là cách bền vững nhất để bảo vệ môi trường đồng thời để giảm phát thải nhà kính. Nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép, không để xảy ra các điểm nóng, tỉnh Bình Thuận đã tập trung tối đa lực lượng để bảo vệ diện tích rừng hiện có. Thời gian qua, tỉnh còn tập trung triển khai các biện pháp bảo vệ và phát triển rừng. Tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng trong điều kiện biến đổi khí hậu. Quản lý, bảo vệ tốt vốn rừng tự nhiên thông qua việc thực hiện chính sách giao khoán bảo vệ rừng, nhất là đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa lâm nghiệp, khuyến khích trồng rừng gỗ lớn. Phát triển mạnh trồng rừng sản xuất trên cơ sở tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nhất là giống, đầu tư thâm canh để tăng năng suất, chất lượng rừng. Tuy nhiên, diện tích rừng trồng và rừng trồng chưa thành rừng trên địa bàn tỉnh nằm phân bố trên các lâm phần có khí hậu khô, nóng, gồm các loài cây chủ yếu là keo, phi lao, bạch đàn… phần lớn những diện tích rừng trồng nằm tiếp giáp với các khu vực dân cư và đất canh tác nông nghiệp, nên những diện tích rừng này dễ bị xâm hại và có nguy cơ cháy rừng cao.
Xác định việc bảo vệ rừng và trồng mới rừng nhằm giảm phát thải nhà kính, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động người dân tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tổ chức đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp. Tiếp tục trồng rừng mới theo kế hoạch hàng năm để độ che phủ của rừng trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 vẫn đảm bảo đạt tỷ lệ trên 43% tính theo diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 781.281,89 ha.