“Vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển”

Kinh tế - Ngày đăng : 13:52, 17/09/2022

BTO-Đó là chủ đề Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vừa diễn ra hôm nay (17/9) tại Hà Nội, được kết nối đến các điểm cầu địa phương trên toàn quốc và hàng chục điểm cầu doanh nghiệp nước ngoài ở trong lẫn ngoài nước.

Hội nghị do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì tại điểm cầu Trụ sở Văn phòng Chính phủ, cùng tham dự còn có Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh và lãnh đạo nhiều Bộ ngành, cơ quan Trung ương, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Dự hội nghị tại điểm cầu Bình Thuận có Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong và đại diện lãnh đạo các sở ngành, đơn vị liên quan: Công an tỉnh; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Công Thương; Y tế; Xây dựng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lao động - Thương binh và Xã hội; Giao thông vận tải; Tài nguyên và Môi trường; Khoa học và Công nghệ; Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh. Ngoài ra còn có lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Thuận cùng đại diện một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn tỉnh…

img_0461.jpg
Tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Bình Thuận.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Việt Nam nhất quán và khẳng định quan điểm coi khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Do vậy luôn được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Đồng thời Nhà nước cũng tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài cũng như bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người lao động…

Trong phiên khai mạc, hội nghị còn nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo đề dẫn “Bối cảnh quốc tế và trong nước: Cơ hội và thách thức - Giải pháp nắm bắt cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới”. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng đây là hội nghị lớn dành riêng cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, điều này thể hiện sự quan tâm, trân trọng và tin tưởng của người đứng đầu Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

img_0456.jpg
Đại diện một số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh được mời dự hội nghị.

Tại phiên thảo luận, hội nghị đã nghe đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam tham gia ý kiến về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Trong đó có: Tổ chức xúc tiến và thương mại Nhật Bản (Jetro), Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham), Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam (SBG).

Tham luận “Đánh giá về môi trường đầu tư qua khảo sát của Jetro”, ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện Jetro thông tin: Kết quả khảo sát năm ngoái cho thấy 55% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng hoạt động, đây là con số cao nhất trong các nước khu vực ASEAN…

Với đại diện Eurocham cũng có tham luận “Việt Nam sau 2 năm thực hiện Hiệp định EVFTA hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững. Trong đó đề xuất Việt Nam cần mở cửa mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa nhằm gây ấn tượng với các nhà đầu tư chất lượng và bảo đảm vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Và  các nhà đầu tư châu Âu đã, đang  sẽ tiếp tục cam kết phối hợp với Việt Nam để đạt được mục đích này.

img_0459.jpg
Nghe đại diện Eurocham phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Phiên thảo luận cũng dành thời gian cho đại diện doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam là các tập đoàn lớn, thương hiệu nổi tiếng tham gia phát biểu về nhận diện thách thức, tận dụng cơ hội để đầu tư hoặc mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Nhất là ở một số lĩnh vực như tài chính (Tập đoàn HSCB), năng lượng (Orsted), logistics (Tập đoàn MCS, CMA), chuỗi cung ứng (Dell, Boeing), chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo (Bosch, Panasonic, Meta)…

Tại hội nghị, lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương và một số địa phương cũng đã tham gia ý kiến trao đổi, tiếp thu và phản hồi những nội dung liên quan như về chính sách, chuẩn bị điều kiện để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam… Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và cảm ơn sự chung tay, đồng hành, chia sẻ cũng nỗ lực của các nhà đầu tư nước ngoài trong công tác phòng chống dịch, duy trì thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu. Qua đó góp phần cùng Chính phủ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối của nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định Việt Nam tạo mọi điều kiện để có môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động và bảo vệ môi trường…

Bên cạnh đó đề nghị các Hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần hợp tác và vượt qua thử thách, tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam. Mặt khác cần quan tâm đẩy mạnh xây dựng, áp dụng những mô hình quản lý mới, thực hiện đổi mới hướng tới kinh doanh xanh, công nghệ xanh và phát triển bền vững…

Tại Bình Thuận, tính đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh có 119 dự án FDI (vốn đầu tư nước ngoài) còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 3,4 tỷ USD, trong đó tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực du lịch - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng... Với định hướng phát triển bền vững kinh tế - xã hội, Bình Thuận luôn mong muốn trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, an toàn và hiệu quả dành cho tất cả các nhà đầu tư chiến lược"

Tác giả trích dẫn

Đ.QUỐC