Bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển Hàm Thuận Nam

Kinh tế - Ngày đăng : 09:18, 30/05/2018

Vùng biển Thuận Quý hồi sinh

BT- Dự án “Xây dựng mô hình thí điểm đồng quản lý sò lông góp phần quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lợi thủy sản và bảo vệ hệ sinh thái ven biển xã Thuận Quý, Hàm Thuận Nam” đã được tài trợ bởi Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP/GEF SGP), UBND tỉnh, huyện Hàm Thuận Nam, Chi cục Thủy sản bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND Thuận Quý cho biết: “Xã đã vận động tuyên truyền để ngư dân hiểu về tầm quan trọng của dự án. Qua đó thu hút gần 100 ngư dân vào tổ chức Hội hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ địa phương”. Hội cộng đồng ngư dân này đã thường xuyên truyên truyền cho ngư dân trong và ngoài hội các chủ trương, chính sách quy định của Nhà nước về công tác quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản nói chung và với riêng sò lông. Những lớp tập huấn đã đem lại cho bà con nhận thức mới và biết cách đồng quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển.

                
Bờ biển hoang sơ Tân Thành thu hút du khách

Thông qua hỗ trợ từ Quỹ Môi trường toàn cầu, Chi cục Thủy sản, Hội cộng đồng ngư dân đã thả 120 tấn sò lông non về biển cũng như thả những cội chà khu vực tuyến bờ cho các loại hải sản sinh sôi. Đồng thời họ giám sát trong quá trình bảo vệ, khai thác, phát hiện tàu giã cào bay vào tuyến bờ báo cáo Đồn Biên phòng Tân Thành, Chi cục Thủy sản tỉnh xử phạt 100 triệu đồng… Theo khảo sát của Chi cục Thủy sản, ngư trường vùng biển ven bờ Thuận Quý do khai thác cạn kiệt đã hồi sinh sau 2 năm được ngư dân đồng quản lý, bảo vệ nguồn lợi, tạo nguồn thu nhập ổn định cho ngư dân từ nguồn lợi khai thác. Bên cạnh đó, sự phục hồi của hệ sinh thái biển đang thu hút nhiều loài hải sản khác đến sinh sống, sinh sản. Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, khá nhiều ngư dân Thuận Quý hành nghề lưới rê tuyến bờ thu được 3 - 4 triệu đồng mỗi đêm, đã minh chứng cho việc phục hồi nguồn lợi biển…

 Triển vọng Tân Thành, Tân Thuận

Sau khi triển khai thí điểm ở Thuận Quý, trong khuôn khổ này, mới đây “Dự án thúc đẩy trao quyền và xây dựng năng lực cộng đồng trong quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản huyện Hàm Thuận Nam” tiếp tục khởi động tại xã Tân Thành, thu hút đông đảo các cơ quan chức năng, cùng ngư dân tham dự. Các báo cáo tại buổi lễ khởi động nêu rõ, bước đầu, hai xã trong vùng dự án là Tân Thành, Tân Thuận đã vận động khoảng 100 ngư dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ. Tại đây, hình thành 20 điểm chà rạn nhân tạo đánh dấu vùng biển, tạo nơi sinh sống, sinh sản nguồn lợi thủy sản; không đánh bắt thủy sản còn non. Lực lượng chức năng như Đồn Biên phòng Tân Thành, kiểm ngư trong khu vực phối hợp ngư dân địa phương tăng cường ngăn chặn tàu giã cào bay trong, ngoài tỉnh vào tuyến bờ khai thác… Những ngư dân tham gia nguồn lợi cũng sẽ được Quỹ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản của dự án cho vay vốn không lãi suất (10 triệu đồng/hộ) để mua sắm ngư lưới cụ, làm thêm các nghề trên bờ như chăn nuôi, buôn bán nhỏ…

Tại lễ khởi động dự án, Hội Nghề cá tỉnh đã tặng 90 phao cứu sinh cho ngư dân trong vùng ven biển. Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết thêm: “Theo kế hoạch phát triển bền vững nghề khai thác sò lông, các loài hải sản khác khu vực tuyến bờ Hàm Thuận Nam đến năm 2020 được UBND tỉnh, huyện phê duyệt, tổ chức hội cộng đồng ngư dân địa phương sẽ liên kết các resort khu vực, xây dựng mô hình chở khách du lịch tham quan, câu cá giải trí tại các điểm chà rạn nhân tạo, lặn khám phá các rạn san hô vùng ven biển 3 xã: Thuận Quý, Tân Thành, Tân Thuận. Ðây là mô hình sinh kế mới có tính khả thi cao, góp phần cải thiện, nâng cao thu nhập cho ngư dân”. Được biết, dự án được Quỹ Môi trường toàn cầu Liên Hợp Quốc tài trợ cùng vốn đối ứng UBND tỉnh, huyện Hàm Thuận Nam, Chi cục Thủy sản, với tổng kinh phí 3 tỷ đồng, thực hiện đến năm 2020.

T. Khoa