Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập
Xã hội - Ngày đăng : 05:54, 20/09/2022
Gắn đào tạo nghề nghiệp với thị trường lao động
Theo lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Bình Thuận hiện có hơn 20 cơ sở GDNN. Thời gian qua, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề của các cơ sở GDNN được đầu tư, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động. Chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề được nâng lên, ý thức tự giác trang bị nghề, tìm việc làm ổn định ở người lao động khu vực nông thôn nâng cao. Nửa đầu năm 2022, các cơ sở GDNN tuyển mới và đào tạo nghề nghiệp cho 8.952/10.000 người đạt 89,52% so với kế hoạch năm và bằng 172,55% so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, các cơ sở GDNN chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh - dịch vụ; các xã, phường, thị trấn, các hội, đoàn thể tuyển sinh, đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường, tỷ lệ lao động có việc làm cao. Chỉ tính riêng 6 tháng năm 2022, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho gần 15.000 lao động, đạt 74,82% so kế hoạch năm và bằng 123,33% so với cùng kỳ năm 2021. Việc quản lý dạy và học của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đi vào nề nếp, ổn định theo quy chế, quy định về dạy nghề…
Thời điểm này, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về GDNN, tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh, gắn kết tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm. Đồng thời, phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến lĩnh vực GDNN trên địa bàn. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng rõ nét, công tác GDNN vẫn còn những khó khăn, thách thức cần vượt qua như: Một số cơ sở GDNN chưa chủ động, tích cực mở lớp đào tạo; chưa phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, địa phương, đoàn thể trong công tác tuyển sinh, dạy nghề; chưa khai thác các nghề phi nông nghiệp để tổ chức dạy nghề; chưa nắm vững các quy định như dự báo nơi làm việc và mức thu nhập, thanh quyết toán kinh phí, chưa khuyến khích thu hút giáo viên có kinh nghiệm, có trình độ tay nghề cao…
8 giải pháp phát triển GDNN
Để phát triển nhanh GDNN nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển địa phương trong từng giai đoạn. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu cơ bản đến năm 2025, bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội địa phương; chất lượng đào tạo nghề của một số trường tiếp cận trình độ quốc gia, khu vực ASEAN; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ từ 30% - 32%.
Để đạt được các mục tiêu trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương cần thực hiện đồng bộ 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. 2 giải pháp đột phá là “Đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo” và “Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp”. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển GDNN, đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề, tập trung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển các lĩnh vực công nghiệp, du lịch và nông nghiệp. Thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề phù hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, 2025 - 2030...
Cùng với đó, đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo. Phát triển đồng bộ hạ tầng số bao gồm hạ tầng dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật của các cơ quan quản lý nhà nước về GDNN ở địa phương và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Mặt khác, cần đẩy mạnh hợp tác, gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp, người sử dụng lao động, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong các hoạt động GDNN trên cơ sở hài hòa lợi ích và trách nhiệm xã hội nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhất là chất lượng lao động có kỹ năng nghề cao để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, thị trường lao động…