Ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU
Kinh tế - Ngày đăng : 05:07, 21/09/2022
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, thời gian qua Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để chống khai thác IUU, gỡ "thẻ vàng" EC, các bộ, ban ngành, địa phương đã đồng bộ triển khai nhiều giải pháp quan trọng, nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Việc chống khai thác IUU rất quan trọng, bởi nó ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu, thương hiệu quốc gia, vấn đề bảo vệ môi trường, sinh thái cũng như đời sống của ngư dân. Do đó, yêu cầu bộ, ngành, các địa phương nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp, rà soát lại tình hình thực hiện các khuyến nghị của EC, phải ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU, quyết tâm không để bị "thẻ đỏ".
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, sau gần 5 năm triển khai thực hiện, phía Ủy ban châu Âu (EC) đã đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai các giải pháp thực hiện IUU. Khẳng định Việt Nam đã có nhiều tiến bộ và đang đi đúng hướng; ghi nhận và đánh giá cao thiện chí, tinh thần hợp tác, sự minh bạch và trung thực của Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, trao đổi giữa hai bên về kết quả triển khai IUU. Tuy nhiên, đến nay chưa đảm bảo lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, chưa kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng, cũng như kiểm soát nguyên liệu hải sản khai thác nhập khẩu vào Việt Nam theo Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng… Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác IUU còn rất thấp so với các vụ việc vi phạm.
Tại cuộc họp, các địa phương ven biển đã báo cáo tình hình thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo về IUU; trong đó tập trung vào các giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân; áp dụng các giải pháp công nghệ để tăng cường quản lý, giám sát tàu cá của ngư dân hoạt động trên biển; kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo và các bộ ngành nhiều giải pháp để hỗ trợ địa phương, nâng cao hiệu quả công tác này, góp phần để EC sớm gỡ “thẻ vàng”. Tính đến nay, công tác lắp thiết bị VMS đối với tàu có chiều dài từ 15m trở lên đã đạt hơn 95%, tăng 5% so với trước, trong đó các tỉnh đạt tỷ lệ cao như Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Ninh Bình, Cà Mau, Bình Thuận, Bình Định, Sóc Trăng… Đặc biệt, đã ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương.
Được biết, tại Bình Thuận suốt gần 2 năm (từ tháng 7/2019 đến giữa năm 2021), Bình Thuận không có tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý. Tuy nhiên, từ giữa tháng 6/2021 đến nay, lực lượng chức năng của tỉnh phát hiện 5 tàu cá/39 lao động của tỉnh bị nước ngoài bắt giữ. Đáng chú ý, các tàu cá này thường xuyên lưu trú và xuất bến ngoài tỉnh, ít khi về địa phương nên việc kiểm tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn. UBND tỉnh đang chỉ đạo lực lượng Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh phối hợp cơ quan chức năng tỉnh bạn (nơi tàu lưu trú) xác minh làm rõ, để xử lý.
Để chuẩn bị tiếp đoàn kiểm tra EC sang Việt Nam vào tháng 10 tới, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trước hết là các địa phương vùng biển thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống khai thác IUU, trước hết là kiên quyết ngăn chặn, không để tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài. Tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, tăng cường trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả hoạt động thực thi pháp luật của các lực lượng chức năng trong kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn; kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các hành vi khai thác IUU...