Mong ước của người dân Phan Hòa
Đời sống - Ngày đăng : 05:24, 21/09/2022
Những khó khăn
Mùa hạn hán năm 2020, tôi đến xã đồng bào Chăm Phan Hòa, huyện Bắc Bình theo chương trình công tác thường xuyên. Khi ấy dân số Phan Hòa ghi nhận hơn 2.500 hộ/12.000 khẩu trải đều trong 4 thôn, nơi có những con hẻm nhỏ được bê tông hóa phẳng lỳ, nhưng tuyến đường trọng điểm liên xã, liên thôn xuống cấp trầm trọng. Cuộc sống người dân còn khó khăn, nước sinh hoạt phải đi mua hoặc xin từ gia đình có giếng khoan.
Hôm nay trở lại sau gần 3 năm, thấy mọi thứ vẫn như xưa, dân số xê dịch xuống còn chính xác 2.429 hộ/11.846 khẩu, vì cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư - một Đề án do Bộ Công an chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện đã hoàn chỉnh. Hệ thống giao thông liên thôn, liên xã xuống cấp trầm trọng hơn. Bởi từng ấy con người của xã, chưa kể người dân 3 xã Phan Rí Thành, Phan Hiệp, Hòa Minh (Tuy Phong) lưu thông qua Phan Hòa canh tác với máy cày, máy kéo, xe tải vận chuyển hàng hóa ngày đêm.
Sự bức bối của người dân hiện rõ trên khuôn mặt. “Đường ổ voi, ổ gà, lầy lội vào mùa mưa, bụi bặm vào mùa nắng, chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần trong các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND các cấp, làm đường để chúng tôi yên tâm đi lại, tăng gia sản xuất, nhưng nhiều năm chưa thấy làm”, ông Lương Ngọc Sáng hay còn gọi là Sáng Đen nói lớn tiếng hơn người khác tại bàn uống trà trước nhà bà Nguyễn Thị Phía - Phó Trưởng thôn Bình Minh. Nhà bà Phía nằm ở mặt đường ngã ba liên thôn, liên xã đông người qua lại, hơn nữa bà là Phó Trưởng thôn nên thường xuyên có người lui tới. “Chỗ này là chỗ tập trung mấy ông già ngồi nói chuyện!”, bà Phía cười nói.
Ngoài đường sá hư hỏng thì vấn đề nước sinh hoạt, sản xuất thiết yếu cũng còn khó khăn. Với nước sinh hoạt gần như thiếu quanh năm, người dân chủ yếu sử dụng nước trời. Nước sản xuất ổn định, nhưng mưa kéo dài ngập lụt ảnh hưởng mùa màng mặc dù được hưởng lợi từ nguồn vốn Dự án “Quản lý nguồn nước tổng hợp và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu tại tỉnh Bình Thuận", do Vương quốc Bỉ tài trợ, nạo vét dòng sông Đồng tiêu thoát nước. “Ở Phan Hòa có 3 vấn đề khó khăn, đó là đường giao thông, ngập lụt và thiếu nước sinh hoạt”, ông Bá Minh – Phó Chủ tịch Mặt trận kiêm trưởng Ban Thanh tra xã Phan Hòa chia sẻ.
Vươn lên vì cuộc sống
Điều kiện sống khó khăn, người dân Phan Hòa nỗ lực bám nghề truyền thống cha ông, chăn nuôi trồng trọt phát triển kinh tế gia đình. Nhưng ở thời buổi kinh tế thị trường, thêm vào đó những năm gần đây thời tiết ngày càng khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến sản xuất, nhiều cây trồng buộc phải chuyển đổi cho phù hợp với thực tế. Vì thế, nhiều người đã chuyển đổi cây lúa sang cây trồng khác như sen, thanh long... Trong đó, sen – loài cây trồng không chỉ tạo ra cảnh quan xanh mát, tươi đẹp nên thơ mà còn cho kinh tế cao, được nhiều người Phan Hòa lựa chọn. “Trồng lúa không có lời nên nhiều hộ gia đình chuyển sang trồng sen. Lúa 6.500 đồng/kg, sen có khi bán 30.000 - 40.000 đồng/kg, thấp nhất cũng 7.000 - 10.000 đồng/kg... Năm ngoái, tôi trồng 3 sào sen, giá sen 8.000 đồng/kg thu hoạch hơn 30 triệu đồng, trong khi vụ lúa đông xuân mất mùa vì sâu bệnh”, bà Phía canh tác 1 ha lúa, nay đã chuyển sang trồng 7 sào sen chia sẻ. Đây là diện tích đất ở vùng trũng thấp năng suất lúa không cao nên bà đã chuyển sang trồng sen, nhiều hộ dân khác trong xã nay cũng như bà.
Sen hồng bung sắc, tỏa hương thơm khắp nơi tạo cho Phan Hòa vẻ đẹp bình dị dưới cái nắng trưa gắt gỏng. Tôi tiếp tục theo anh Thanh Bình – cán bộ địa chính phụ trách nông nghiệp đến cánh đồng Bà Tửng Trong, đồng Ma Tá, Trường An... Hầu hết kênh mương nội đồng kiên cố hóa, tưới tiêu cho nhiều thửa ruộng 5 – 20 ngày tuổi hoặc chuẩn bị xuống giống. Sen không trồng tập trung mà rải rác trên các chân ruộng do người dân Phan Hòa không muốn chuyển đổi đất lúa toàn bộ sang trồng sen vì e ngại đầu ra. “Người dân có chiều hướng muốn chuyển sang trồng sen vì tính ra công chăm sóc, phân thuốc không nặng nhọc và tốn kém bằng lúa, chỉ ngặt một nỗi là đầu ra không có nên nông dân không dám đầu tư trồng sen nhiều”, Thanh Bình chia sẻ điều kiện canh nông trên địa bàn xã. Thống kê của UBND xã Phan Hòa, toàn xã có diện tích đất nông nghiệp hơn 6,8 ha chủ yếu canh tác cây lúa nước, trong đó năm gần đây chuyển đổi sang trồng sen hơn 20 ha.
Ngoài trồng trọt, chăn nuôi kết hợp mang lại thu nhập ổn định cho người dân Phan Hòa. Toàn xã có hơn 24.000 vật nuôi gồm trâu, bò, dê, cừu và gia cầm thường xuyên được theo dõi tiêm phòng lở mồm long móng... Với an ninh trật tự đảm bảo khi nhiều vụ trộm cắp, mâu thuẫn đánh nhau, tai nạn giao thông, khai thác khoáng sản trái phép... được xử lý. Người dân cũng ý thức nâng cao sức khỏe, nhất là trong phòng, chống dịch Covid-19, “Cứ có vắc xin là chúng tôi huy động bà con đi tiêm phòng, bệnh này không chủ quan được”, ông Bá Thông – Bí thư thôn Bình Minh nói.
Vẫn ước mong
“Việc gì chúng tôi cũng có thể làm được, nhưng đường sá đi lại, nước sinh hoạt... cần ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ”, ông Bá Minh nói vẻ mong ước một ngày không xa, Phan Hòa khang trang sạch đẹp như nhiều xã khác. Đường sá thuận tiện đi lại, đảm bảo an toàn giao thông không xảy ra tai nạn.
Chủ tịch UBND xã Phan Hòa Bá Hoàng Anh Tuân tiếp chúng tôi trong căn phòng nhỏ tại trụ sở xã, ông chia sẻ những lo ngại vấn đề nước sinh hoạt, ngập lụt, đường giao thông dù đã kiến nghị huyện. “Những khó khăn vướng mắc của địa phương, chúng tôi đã kiến nghị với huyện. Đối với đường giao thông, sớm hay muộn cũng sẽ làm, hiện tại đã được ghi vốn, nhưng chưa biết khi nào triển khai”, ông Tuân trăn trở, đồng thời dẫn chứng quyết định của UBND tỉnh về chủ trương đầu tư dự án Nâng cấp đường liên xã Phan Rí Thành đến UBND xã Phan Hòa năm qua.