Nỗ lực khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin

Xã hội - Ngày đăng : 05:36, 21/09/2022

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, bên cạnh các loại vũ khí gây thương vong, đế quốc Mỹ còn sử dụng chất độc da cam/dioxin gây hậu quả nặng nề đối với con người và môi trường. Nay chiến tranh đã lùi xa, song hàng triệu người dân Việt Nam và những thế hệ thứ ba, thứ tư sinh ra trong hòa bình vẫn phải mang trong mình di chứng bởi phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Ngày 10/8/1961, Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam. Chỉ trong 10 năm (1961 - 1971), quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 vụ phun rải với 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% chất độc da cam, chứa 366 kg dioxin xuống 26.000 thôn, bản, với diện tích hơn 3 triệu ha, bằng gần 1/4 tổng diện tích miền Nam Việt Nam. Chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người dân Việt Nam bị phơi nhiễm và hơn 3 triệu người là nạn nhân, nhiều nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba và đã xuất hiện thế hệ thứ tư. Hàng chục nghìn trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống đời sống thực vật.

z3735182073733_9334e3cd0b571e57788a42d22e25cff4.jpg
Chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin là nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Tại Bình Thuận, theo số liệu điều tra, khảo sát quân đội Mỹ đã phun rải trực tiếp xuống 166.274 ha, chiếm 8,4% diện tích đất toàn tỉnh. Gần 6.000 người bị nhiễm và phơi nhiễm chất độc da cam. Hầu hết những người bị nhiễm chất độc da cam là cán bộ kháng chiến, là bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và nhân dân sống trong vùng bị rải chất độc. Các nạn nhân mang trong mình căn bệnh quái ác, di truyền sang đời con, cháu.

Trước những hậu quả nặng nề do thảm họa da cam, thời gian qua, Đảng, Nhà nước xác định công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam là nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa nhân đạo, nhân văn sâu sắc. Mới đây, thực hiện Quyết định số 2215/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch của tỉnh Bình Thuận với mục tiêu cụ thể đến năm 2025 xác định được trên 90% nạn nhân, đến năm 2030 hoàn thành việc xác định nạn nhân qua các thế hệ đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Các nạn nhân được hưởng mức chế độ, chính sách của Nhà nước để cải thiện chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi về việc làm phù hợp, vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh đó, đảm bảo 100% phụ nữ có thai tại các vùng ô nhiễm, 100% nạn nhân được quản lý thai nghén, được tư vấn sinh sản nhằm giảm nguy cơ gia tăng nạn nhân ở các thế hệ tiếp theo. Đồng thời, xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu, thông tin đáp ứng các yêu cầu quản lý các hoạt động khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh.

Theo đó, UBND tỉnh đã đề nghị các cấp, các ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Cụ thể như tổ chức rà soát, tham gia góp ý xây dựng và hoàn thiện văn bản pháp luật, quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác khắc phục hậu quả; chú trọng sử dụng các phương tiện truyền thông trong nước, quốc tế có uy tín; tổ chức các dự án, tuyên truyền về những nỗ lực, thành tựu của Việt Nam trong xử lý ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin ở các điểm nóng và kết quả chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân; nâng cao nhận thức để chủ động phòng tránh phơi nhiễm, giảm thiểu tác hại đối với con người. Đồng thời, tiếp tục rà soát, khoanh vùng và xử lý kịp thời các khu vực bị ảnh hưởng bởi chất độc, không để gia tăng nạn nhân ở các khu vực này; tổ chức thực hiện các biện pháp phù hợp, hiệu quả để kiểm soát các nguy cơ phơi nhiễm chất độc hóa học đối với con người, môi trường; bảo đảm phụ nữ có thai tại các vùng ô nhiễm và các nạn nhân được quản lý thai nghén, được tư vấn sinh sản nhằm giảm nguy cơ gia tăng ở các thế hệ tiếp theo. Song song bảo đảm thực hiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc hóa học/dioxin. Mặt khác, tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao năng lực, tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ cũng như tăng cường hợp tác quốc tế và xã hội hóa công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin.

Ngọc Hân