Thiếu nguồn vốn cho doanh nghiệp vay

Kinh tế - Ngày đăng : 05:21, 22/09/2022

Nhiều doanh nghiệp “khóc ròng” vì tình trạng không vay thêm được vốn ngân hàng để khôi phục sản xuất. Có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ yếu là do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiểm soát “room” quá chặt dẫn đến các ngân hàng không dám cho vay vượt khung “room” theo quy định…

2 năm liên tiếp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh chỉ hoạt động cầm chừng hoặc dừng hẳn hoạt động. Đầu năm 2022, khi trạng thái bình thường mới được triển khai cũng là lúc các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh bước vào khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Do mới tái khởi động nên các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh chưa đầu tư nhiều vì đơn đặt hàng còn ít hoặc đang “chờ” thị trường nên chỉ hoạt động vừa phải, chưa mạnh dạn đầu tư vốn. Từ đây, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh chỉ vay vốn vừa với mức đầu tư sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, khi thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sôi động trở lại, đồng nghĩa với việc đơn đặt hàng nhiều hơn, nhu cầu sản xuất kinh doanh rất cần vốn để đầu tư vào nhưng… vay thêm ngân hàng không được.

20220720_084005.jpg
Một buổi tư vấn chính sách tín dụng cho dân vùng cao Phan Sơn, Phan Lâm (Bắc Bình) do Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Thuận tổ chức.

Anh Nguyễn Hữu Phi ở Đức Linh gần 2 tháng nay “chạy mỏi chân” tìm ngân hàng để vay vốn đầu tư thu mua mủ cao su, nhưng các chi nhánh chỉ có thông báo với “điệp khúc” chờ “room”. Mới đây ở Phan Thiết đã có một số trường hợp doanh nghiệp không nắm được vấn đề (hoặc tin lời nhân viên tín dụng hứa trả hết nợ sẽ cho vay lại) nên đến kỳ hạn tất toán khoản vay đã vay tiền nóng bên ngoài để trả nợ với suy nghĩ sẽ được vay lại số tiền cao hơn hoặc ít nhất cũng bằng số tiền vay trước đó. Tuy nhiên, khi trả xong nợ thì bị từ chối cho vay lại nên khó càng khó hơn… Gần đây, một số ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nới “room” có nghĩa là cho thêm mức tín dụng, dựa vào những chỉ số hoạt động tốt của từng ngân hàng. Tuy vậy, nguồn “room” có giới hạn nên dẫn đến nguồn vốn cung không đủ cầu. Các hội sở ngân hàng từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh phải vất vả “cân đong đo đếm” rồi mới đưa nguồn tiền về chi nhánh, rồi từ chi nhánh phân bố cho phòng giao dịch hoặc chi nhánh thấp hơn… dẫn đến lượng doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cần vay thêm rất nhiều nhưng nguồn vốn hạn chế. Tình trạng này rất dễ xảy ra “đi cửa sau” và hệ lụy kéo theo là những doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh làm ăn chân chính cần thêm vốn nhưng… đến lượt “gọi tên” thì cơ hội đầu tư đã đi qua.

Tháng 9, theo chu kỳ nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh sẽ tập trung sản xuất cho “mùa vụ” Tết Nguyên đán. Nhu cầu vốn đầu tư vào chế biến, sản xuất kinh doanh sẽ rất cao, có thể nói là ở chu kỳ cần vốn cao nhất trong năm. Tuy nhiên, với tình trạng nguồn vốn từ các chi nhánh ngân hàng cho vay hạn chế như hiện nay thì các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh sẽ gặp khó khăn. Để giải quyết vấn đề này Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế phù hợp để tạo điều kiện doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh có đủ tiềm lực kinh tế cũng như có được các đơn đặt hàng tốt, nhưng thiếu vốn được vay vốn từ ngân hàng để sản xuất, kinh doanh hàng hóa vào dịp tết sắp đến…

Trần Thi