Giảm nhẹ rủi ro thiên tai - việc không của riêng ai!. Bài 1

Chính trị - Ngày đăng : 05:26, 22/09/2022

Liên tục những năm gần đây, thiên tai diễn biến hết sức bất thường, phức tạp, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Tại Bình Thuận, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng bất cẩn, chủ quan dẫn tới những thiệt hại đáng tiếc, nhất là tai nạn trên biển, triều cường đang ngày càng gia tăng.

Bài 1: Nỗi sợ mang tên… thiên tai

Chỉ tính từ đầu năm 2022, thiên tai bất thường như mưa lũ giữa mùa khô kèm dông lốc, mưa lớn gây ngập úng nhiều đô thị… đặt ra báo động đối với công tác phòng, chống thiên tai của cả nước. Với Bình Thuận, ngoài thiệt hại ở đất liền, gần đây gió mạnh, sóng lớn, triều cường khiến nhiều phương tiện gặp tai nạn, sạt lở bờ biển nghiêm trọng. Do đó, cần xác định phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Hiểm nguy “rình rập”

Đã hơn 2 tháng, sau vụ việc tàu cá BTh 97478 TS của TP. Phan Thiết với 15 thuyền viên bị sóng đánh chìm ngoài khơi xa, nỗi đau vẫn còn mãi với người dân xứ biển. Riêng với thuyền trưởng Bùi Văn Toàn - một trong những ngư dân may mắn sống sót trong trận thiên tai ấy, khi từ cửa tử trở về, đến nay vẫn chưa thể hồi phục sức khỏe. Nhưng ông còn may mắn hơn 6 anh em bạn thuyền gắn bó lâu năm, đã mãi mãi nằm lại khơi xa trong chuyến biển sinh tử ấy. Đó là thời khắc lúc 5 giờ sáng ngày 10/7/2022, một cơn sóng dữ đã ập đến, bao trùm lên tàu cá do ông Toàn làm chủ. Trong phút giây hiểm nguy ấy, các lao động đã kịp leo lên 2 thúng chai để thoát thân. Sự kỳ diệu xảy ra, sau 12 ngày đêm lênh đênh, đói khát trên biển, 9 thuyền viên trong tổng số 15 người đã lần lượt được tàu khác cứu sống và lực lượng hải quân đưa vào bờ an toàn, tạo nên một điều kỳ diệu… Đây chỉ là một trong số nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng trên biển xảy ra trong năm 2022 tại Bình Thuận được nhắc đến.

z3738297680758_e89137f5a989bc66d325f4756a158375.jpg
Bàn giao 5 ngư dân bị nạn trên tàu cá BTh 97478 TS.

Ông Nguyễn Hùng Tân - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT và TKCN) cho biết: Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, trên khu vực biên giới vùng biển của tỉnh xảy ra 55 vụ/56 người/23 phương tiện gặp tai nạn, sự cố. Hậu quả, làm 45 người chết, 9 người mất tích, chìm 14 tàu cá, 8 tàu cá bị sự cố, 1 tàu cá mất tích, trong đó tai nạn phương tiện 12 vụ/19 tàu cá.

Với những con thuyền đánh bắt trên biển, nguy cơ xảy ra sự cố do thiên tai luôn rình rập là khó thể tránh khỏi. Còn ở trên bờ, cuộc sống của người dân cũng luôn hứng chịu mất mát do thiên tai gây ra. Vốn sinh sống ở vùng ven biển TP. Phan Thiết hơn 30 năm, ông Nguyễn Minh Hùng - khu phố B, phường Thanh Hải chia sẻ rằng, tuổi trẻ của ông là chuỗi ngày làm ngư dân đánh bắt khơi xa. Vì vậy, ông chứng kiến không biết bao nhiêu những biến cố rình rập do thiên tai. Khi đã về già, ông gác nghiệp biển về bờ, nhưng sóng dữ vẫn ngày đêm vỗ bờ, đe dọa căn nhà tạm bợ của gia đình bất cứ khi nào. Thời điểm chúng tôi có mặt ở khu vực biển bị sạt lở mới đây, phường Thanh Hải vừa bị sóng lớn xâm thực khoảng 500 m bờ biển. Đồng thời, uy hiếp và ảnh hưởng trực tiếp gần 20 hộ dân sinh sống trong vùng.

z3738309699098_654ae4905a8886f3f87d05925a7e1151-1-.jpg
Bà Trịnh Thị Khải đang đối mặt nguy cơ mất nhà do triều cường.

Đối mặt với thiên tai

Để khắc phục tạm thời hậu quả thiên tai, người dân sống ven biển Phan Thiết, với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và lực lượng vũ trang đã từng bước gia cố nhà cửa, chắn sóng bằng đá hộc, lốp xe cũ… Nhưng hễ qua mỗi đợt triều cường, mọi công sức, tiền của bỏ ra của con người cũng như “muối bỏ biển” trước sự hung dữ của sóng lớn. Ngay cạnh nhà ông Hùng là bà Trịnh Thị Khải đang tỏ ra vô cùng lo lắng, bất an khi sóng lớn ập về giữa đêm, “ăn” dần căn nhà tạm bợ với 10 thành viên sinh sống. Với bà Khải, điều mong mỏi nhất lúc này là Nhà nước sớm hoàn thành xây kè bảo vệ bờ biển Thanh Hải để cuộc sống bà con sẽ ổn định, an toàn hơn.

Đáng lo ngại, không chỉ riêng thiên tai do triều cường, sóng lớn gây ra, từ đầu năm 2022 đến nay, mưa lũ, lốc xoáy cục bộ liên tục xảy ra trên đất liền. Nhất là các vùng núi như Đức Linh, Tánh Linh, Bắc Bình là những điểm luôn chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai thời gian qua. Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, trong năm 2021, thiên tai trên địa bàn tỉnh khiến 4 người chết, 4 người bị thương. Ngoài ra, diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại gần 9.900 ha; sạt lở 250 m bờ biển… với tổng giá trị thiệt hại toàn tỉnh gần 93,3 tỷ đồng. Từ đầu năm 2022 đến nay, thiên tai đã gây thiệt hại trong tỉnh trên 29 tỷ đồng, chủ yếu hư hại về diện tích sản xuất nông nghiệp, tốc mái nhà, hư hỏng đường giao thông nội đồng, trong đó nặng nhất ở các huyện Tánh Linh, Đức Linh, Bắc Bình.

z3720172333552_2c288566017b9f4e414c659d4e20ccc8.jpg
Tốc mái nhà do lốc xoáy.

Theo nhận định, tình hình thời tiết, thủy văn năm 2022 ở nước ta nói chung và Bình Thuận nói riêng sẽ rất khó lường do tác động cực đoan của biến đổi khí hậu. Thiên tai năm 2022 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và dị thường, khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật, lượng mưa gia tăng cao trong toàn quốc và khả năng xảy ra mưa cực đoan rất cao. Chính vì vậy, để thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã đề nghị các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Phân công, phân cấp xác định rõ trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” gắn với xây dựng cộng đồng an toàn.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, thiên tai đã làm 119 người chết và mất tích, trên 440 nhà bị sập đổ, gần 7.000 nhà bị hư hại. Ngoài ra, có trên 200.000 ha lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng thiệt hại; hàng loạt công trình cơ sở hạ tầng bị hư hại (lớn hơn tổng thiệt hại do thiên tai trong cả năm 2021).

Kiều Hằng - Ngọc Hân