Chiến lược góp đại dương xanh. Bài 2

Xã hội - Ngày đăng : 05:28, 23/09/2022

Bài 2: Những vùng tự tạo “thiên đường”

Nhiều người cho rằng trong bối cảnh hạ tầng du lịch đang dần hoàn thiện, những vùng biên giới biển, nếu kiểm soát tốt rác thải nhựa đại dương xem như tự tạo “thiên đường”.

Sự hưởng ứng không điều kiện

Nếu ngư dân Nguyễn Hữu Thanh tin các bạn thuyền trong tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển (TP. Phan Thiết sẽ dần thay đổi thói quen xả rác, dựa vào biến chuyển nhận thức và chính những chiếc túi đựng rác được phát từ dự án có mặt trên tàu trong chuyến đánh bắt dài ngày nhắc nhớ điều ấy thì ông Trần Văn Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Bình Thuận có sự hăng say khác. Nhiều năm trước, ông là người nhiệt tình trong huy động mọi người cùng dọn rác đại dương tấp vào bờ biển Hàm Tiến – Mũi Né, cùng dự định đặt những thùng rác trên đường để kêu gọi người dân và du khách xả rác đúng nơi quy định. Vì vậy, khi dự án “Kết nối các nguồn lực trong việc giảm thiểu rác thải đại dương trên địa bàn huyện Phú Quý, huyện Tuy Phong và thành phố Phan Thiết” triển khai, bên Hiệp hội Du lịch Bình Thuận đăng ký 2 việc. Thứ nhất là ra quân hưởng ứng chiến dịch World Cleanup Day duy trì vào ngày thứ 5 tuần đầu tiên của mỗi tháng tại các resort là thành viên. Thứ hai là đặt những thùng rác phân loại cao 1m2, chứa 100 lít trên các tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu, Huỳnh Thúc Kháng.

c0161t01(1).jpg
Khách du lịch và nhân viên các khu du lịch hưởng ứng chiến dịch ra quân làm sạch bãi biển ở Mũi Né - Hàm  Tiến, Phan Thiết (ảnh N. Lân)

Trong 2 năm dự án triển khai thì đã hết 1,5 năm dịch Covid – 19 bủa vây, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, bao doanh nghiệp cắt giảm nhân sự nên cũng không có người để tham gia ngày thứ 5 dọn rác này. Thế nhưng, sau khi du lịch khôi phục, ngày thứ 5 đặc biệt ấy đã được khơi lại và đã diễn ra nhiều tháng qua, tạo hình ảnh ấn tượng cho sự chỉn chu của du lịch Bình Thuận nên đã góp phần thu hút lượng khách nhiều bất ngờ hơn ngoài dự đoán. Trong thời điểm “khoảng lặng” ấy, chính ông Bình là người đã kiên trì ở đó, đốc thúc “thắp lửa” để đến lúc có thể bắt nhịp cho bình thường. Ngay cả chuyện mua các thùng rác phân loại đặt cố định trên các tuyến đường, dù đến giờ, dự án gần kết thúc, các resort thành viên vẫn chưa đặt vấn đề mua, nhưng ông đã bỏ kinh phí mua 50 thùng. Sự nhiệt tình ấy cũng là góp phần xây dựng mô hình tuyến đường công dân toàn cầu ven biển Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Phan Thiết nhằm thực hiện phân loại rác tại nguồn và không rác thải nhựa đại dương của dự án.

20190829_152305(1).jpg
c0301t01.jpg
Thu dọn rác thải đại dương trôi dạt vào bãi biển Hàm Tiến, Phan Thiết (ảnh N. Lân)

Còn tại Tuy Phong, cũng trong thời gian như trên, dự án đã kịp thực hiện 40 đợt ra quân thu gom rác thải tại 6 xã với khoảng 3.420 người tham gia 1 tháng/lần vào 4 ngày thứ bảy hoặc chủ nhật. Rồi mô hình khu dân cư tham gia thu gom, phân loại rác thải và giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại xã Bình Thạnh gắn với ra mắt Tổ phụ nữ thu gom ve chai (5 chị), Tổ phụ nữ làm phân Compost (12 người) diễn ra suôn sẻ…

100_0085.jpg
Ra quân dọn rác bãi biển nhân Ngày Môi trường thế giới (ảnh N. Lân)
100_0017.jpg
Các lực lượng dân phòng, quân sự và nhân dân ra quân dọn rác bãi biển Đồi Dương - Thương Chánh, Phan Thiết. Ảnh: N.Lân

Quyết tâm xanh - sạch - đẹp

Trong khi đó, La Gi, thị xã ven biển không nằm trong dự án trên nhưng mấy năm qua, từ khi có nhà máy xử lý rác thải đi vào hoạt động đã thêm động lực cho quyết tâm xây dựng thị xã xanh - sạch – đẹp, dù có lúc chính quyền đối diện thử thách với lượng rác nhựa đại dương tấp vào bờ biển vốn dài đến 28 km. Tuy nhiên, câu chuyện giữa lòng thị xã, La Gi đã gìn giữ được 1 rừng dầu rất đẹp là một ví dụ chứng minh cho quyết tâm thành công. Vì vậy, với việc quản lý và phòng, chống rác thải nhựa nói chung, rác thải nhựa đại dương nói riêng, thị xã đã triển khai với chiến lược tuyên truyền nâng nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, tổ chức cộng đồng và từng người dân một cách thường xuyên. Bên cạnh kiểm soát các nguồn rác thải đại dương tấp vào bờ biển; rác thải trên bờ gồm trôi trên sông, trong các khu dân cư, các cơ sở sản xuất kinh doanh, du lịch là phân công cụ thể vị trí, địa bàn, các khu vực trọng điểm phát sinh rác cho từng cơ quan, đơn vị, phường, xã, tổ chức, cá nhân dọn dẹp.

c0282t01.jpg
Rác thải đại dương và rác sinh hoạt tràn ngập bờ biển (Ảnh N.Lân)

Sự chung tay ấy không chỉ diễn ra thường xuyên trong năm vào những dịp lễ, tết, ngày nghỉ mà còn vào những lúc dân phản ánh, tai nghe, mắt thấy. Và chính người đứng đầu chính quyền chỉ đạo nên sự thực hiện liền ngay và nghiêm túc. Như một ngày phát hiện rác trôi dạt vào các bãi biển rất nhiều, làm ảnh hưởng môi trường và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh du lịch, hoặc sau những ngày mưa, trên sông Dinh, phía hạ lưu Đập Đá Dựng rác tập kết thành bè trôi, gây ô nhiễm nguồn nước và mất mỹ quan đô thị, Chủ tịch UBND thị xã La Gi đã giao UBND các phường có liên quan cùng Ban Quản lý công trình công cộng… tiến hành dọn dẹp, trục vớt. Không chỉ thế, các hoạt động gìn giữ môi trường đều được lồng ghép vào đánh giá thi đua khen thưởng cuối năm, ngay cả với các cá nhân, hộ gia đình cũng gắn với phong trào nếp sống mới, gia đình - khu phố văn hóa. Vì vậy, người dân dần có ý thức không xả rác bừa bãi, nhất là trên sông Dinh, ra bờ biển… Nhờ vậy, mấy năm qua, La Gi giữ được xanh - sạch - đẹp, biển ở đây êm ru, quang cảnh hoang sơ, đẹp như nhiều người ví là nàng đào mới nổi nên các khu du lịch ven biển ngày càng thu hút khách khắp các tỉnh, thành đến hơn.

c0274t01(1).jpg
Chính quyền địa phương phải sử dụng xe chuyên dùng để dọn rác đại dương trôi dạt vào bãi biển (ảnh N.Lân)

Ở nơi biên giới biển

Như La Gi, 5 huyện, thành phố ven biển trong tỉnh cũng đều phải đối diện với vấn nạn bị rác “tấn công”. Dù không khổ như đảo Phú Quý, khi phải đối phó với rác nhựa đại dương bao vây quanh năm nhưng việc kiểm soát rác thải từ đầu nguồn các con sông đổ ra cửa biển, từ các hoạt động kinh tế - xã hội ven biển, từ khu dân cư ven biển... khiến những vùng ở nơi biên giới biển này rơi vào cảnh “trăm dâu đổ đầu tằm”. 7 năm trước, hưởng ứng Chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển trong tỉnh tổ chức lễ phát động ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường biển, trồng cây xanh chắn cát, chắn sóng... Sau đó, duy trì thường xuyên hoạt động “Hãy làm sạch biển” với mỗi tháng tổ chức một “Ngày thứ bảy tình nguyện” hoặc “Ngày chủ nhật xanh”. Đến nay, đơn vị cùng các cơ quan liên quan đã tổ chức được hơn 520 buổi tuyên truyền bảo vệ môi trường, làm vệ sinh bờ biển, trồng cây chắn sóng; huy động gần 8.000 lượt cán bộ, đoàn viên đơn vị và 10.650 lượt đoàn viên, thanh niên địa phương làm sạch 87 km bờ biển, thu gom vận chuyển và tiêu hủy hơn 180 tấn rác thải các loại, trồng mới hơn 31.100 cây xanh các loại.

c0301t01(1).jpg
dscn1801.jpg
Rác thải đại dương trôi dạt vào cảng cá La Gi (ảnh N. Lân)

Nếu không xử lý kịp, không di dời khỏi bãi biển thì rác ấy đều “rò rỉ” ra biển. Theo quy luật tự nhiên, biển đều trả rác lại bờ vào những mùa gió, thời điểm biển động. Đó là lý do vì sao, có những vùng du lịch thu hút nhiều khách, có nghĩa cũng rất quan tâm đến vệ sinh môi trường nhưng vào mùa gió, có lúc bãi biển bất ngờ xuất hiện nhiều rác khiến du khách ngỡ ngàng. Bất ngờ khác, không ít vùng biển trên địa bàn tỉnh, thi thoảng xảy ra hiện tượng thủy triều đỏ khiến cá chết hàng loạt, ảnh hưởng đến du lịch lại có liên quan đến môi trường nước biển. Qua phân tích, với vùng biển có hiện tượng nước trồi như Bình Thuận, tảo nở hoa là bình thường nhưng trong quá trình ấy, vì nhiều nguyên do như tác động của biến đổi khí hậu... trong đó có tác động từ môi trường nước biển bị bẩn đã khiến tảo nở hoa cực mạnh lan rộng để rồi thủy triều đỏ xuất hiện.Vì vậy, để phòng ngừa hiện tượng thủy triều đỏ, các nhà khoa học đưa ra nhiều giải pháp, trong đó nhấn mạnh đến bảo vệ môi trường biển như thắt chặt nghiêm ngặt và kiểm soát những nguồn chất thải, nhất là những vùng có nuôi trồng thủy hải sản; triển khai thường xuyên công việc quản lý môi trường ở ven biển.

c0119t01.jpg
Hãy hành động để bãi biển được xanh, sạch, đẹp (ảnh N. Lân)

Và hơn hết thảy đặc thù trên, ở vùng biên giới biển của Bình Thuận đều có nhiều bãi biển sạch đẹp, cảnh quan tự nhiên đặc sắc, có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh nổi tiếng và nhất là có khí hậu quanh năm nắng ấm. Vì vậy, nhiều người cho rằng trong bối cảnh hạ tầng du lịch đang phát triển, những vùng biên giới biển trên, nếu kiểm soát tốt rác thải nhựa đại dương xem như tự tạo “thiên đường”.

Bích Nghị