Nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa - thể thao và khoa học - công nghệ: Phải nhìn từ hạn chế, khuyết điểm

Xã hội - Ngày đăng : 05:34, 23/09/2022

Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa - thể thao và khoa học - công nghệ… là một trong những nội dung quan trọng mà cấp ủy, chính quyền các cấp của Bình Thuận luôn chú trọng, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Tuy nhiên để nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa - thể thao và khoa học - công nghệ… thì bên cạnh những kết quả đạt được, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém để tìm ra giải pháp phù hợp.

dsc_5641.jpg

Thực trạng

Với sự quan tâm, lãnh chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trong những năm qua, sự nghiệp giáo dục - đào tạo của tỉnh nhà có những chuyển biến tích cực, sự nghiệp y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, chất lượng nguồn nhân lực tiếp tục được nâng lên, hoạt động khoa học - công nghệ đạt nhiều kết quả tích cực, các hoạt động văn hóa, thể dục - thể thao, thông tin - truyền thông có nhiều khởi sắc, các chính sách an sinh xã hội thực hiện đầy đủ, kịp thời…Bên cạnh đó, vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm mà chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận, đó là: Đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập chưa thật đồng bộ, năng lực tự học và kỹ năng thực hành của người học còn hạn chế. Việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở còn khó khăn, hiệu quả chưa cao. Ý thức học tập, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật của một bộ phận học sinh có những biểu hiện đáng lo ngại; tình trạng “bạo lực học đường” vẫn còn xảy ra. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học còn thiếu và chưa đồng bộ. Công tác tự chủ tài chính của một số cơ sở giáo dục – đào tạo còn khó khăn. Về sự nghiệp y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chất lượng khám, chữa bệnh chưa cao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh tuy có chú ý đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, trong khi thực hiện xã hội hóa còn chậm. Đội ngũ cán bộ ngành y tế còn hẫng hụt, thiếu bác sĩ, dược sĩ đại học và bác sĩ có trình độ chuyên khoa sâu. Tổ chức và hoạt động của mạng lưới y tế dự phòng còn hạn chế. Tình hình dịch bệnh tuy có giảm nhưng một số bệnh truyền nhiễm có số ca mắc vẫn còn cao. Công tác quản lý nhà nước về hành nghề dược tư nhân có mặt còn bất cập. Trên lĩnh vực khoa học - công nghệ, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và việc áp dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống còn chậm, chưa thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực khoa học - công nghệ của tỉnh còn thiếu và yếu. Thị trường khoa học - công nghệ chưa được hình thành. Đối với sự nghiệp văn hóa, thể dục – thể thao, thông tin và truyền thông: phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” còn hình thức, chưa đi vào thực chất, chưa trở thành phong trào tự giác trong nhân dân; đạo đức xã hội có mặt xuống cấp. Các thiết chế văn hóa còn thiếu, chưa đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao chưa mạnh mẽ. Một số di tích lịch sử, văn hóa chưa được tu bổ, tôn tạo kịp thời. Các thiết chế thể thao từ tỉnh đến cơ sở còn thiếu và chưa đồng bộ; phong trào thể dục, thể thao quần chúng phát triển chưa đều, chưa được duy trì thường xuyên. Công tác thông tin, tuyên truyền ở cơ sở còn yếu. Công tác quản lý nhà nước về mạng xã hội còn nhiều khó khăn, bất cập...

dsc_7071.jpg
Khám chữa bệnh tại Phòng khám đa khoa Hàm Thuận Nam. Ảnh: Đ.Hòa

Giải pháp

Từ những hạn chế, khuyết điểm nêu trên, để nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa – thể thao và khoa học - công nghệ… cấp ủy, chính quyền các cấp và các ngành chức năng cần phải thực hiện tốt những nhiệm vụ với những giải pháp thực sự phù hợp với khả năng và theo điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị mình. Việc đầu tiên phải triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Tăng cường huy động, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục – đào tạo trong giai đoạn mới. Gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường, cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tạo ra đội ngũ lao động lành nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành và lĩnh vực. Quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ. Có chính sách phù hợp về chế độ đãi ngộ và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia giỏi trong và ngoài nước... Chú ý phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ cả về số lượng và chất lượng. Có chính sách khuyến khích hoạt động nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ trong các lĩnh vực năng lượng sạch, nông nghiệp, khai thác, chế biến hải sản và khai thác, chế biến khoáng sản. Quan tâm hỗ trợ phát triển thị trường khoa học - công nghệ và các hoạt động dịch vụ khoa học - công nghệ; tăng cường liên kết, hợp tác trong hoạt động khoa học - công nghệ. Chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0… Tập trung phát triển các lĩnh vực y tế, văn hóa - thể thao, thông tin - truyền thông. Theo đó, đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị các trạm y tế, các phòng khám đa khoa khu vực; tiếp tục đầu tư các trang thiết bị hiện đại cho các bệnh viện. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và khuyến khích đội ngũ y, bác sĩ tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn gắn với giáo dục nâng cao “y đức” cho đội ngũ công chức, viên chức, nhân viên ngành y tế. Tăng cường y tế dự phòng, nâng cao ý thức phòng bệnh trong nhân dân, cải thiện chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ y tế. Khuyến khích và huy động các nguồn lực xã hội để phát triển mạng lưới y tế ngoài công lập, ưu tiên các cơ sở thực hiện kỹ thuật cao… Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Phát huy tốt vai trò của nghệ sỹ, nghệ nhân, những người hoạt động lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tinh thần tốt đẹp, sáng tạo những giá trị mới phục vụ sự nghiệp xây dựng văn hóa, phát triển con người Việt Nam và phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân. Tăng cường xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục - thể thao; phát triển mạnh mẽ phong trào thể dục - thể thao quần chúng và các môn thể thao có thế mạnh của tỉnh. Thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan báo chí, xuất bản, thông tin tuyên truyền. Đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh quê hương và con người Bình Thuận.

Bảo Tín