Giảm nhẹ rủi ro thiên tai - việc không của riêng ai. Bài 2

Chính trị - Ngày đăng : 05:40, 23/09/2022

Bài 2: Bài học và hành động để giảm nhẹ thiệt hại

Các cấp ủy, tổ chức Đảng cần xác định công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Quán triệt sâu sắc quan điểm chủ động phòng ngừa là chính, kết hợp với các biện pháp thích ứng phù hợp, bảo đảm phát triển bền vững- đó là một trong những yêu cầu của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Chỉ thị số 42-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Xác định rõ tồn tại và nguyên nhân

Nội dung Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng nêu rõ: Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai còn nhiều hạn chế, yếu kém. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn chưa kịp thời, toàn diện, thiếu tầm nhìn chiến lược, trách nhiệm chưa rõ ràng. Việc dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát, cơ sở dữ liệu, trang thiết bị và công cụ hỗ trợ, khả năng chống chịu của công trình phòng, chống thiên tai còn nhiều bất cập. Sự chủ động thích ứng của người dân còn hạn chế… Trong đó, nguyên nhân một phần do lãnh đạo, chỉ đạo có lúc, có nơi chưa kịp thời, kiên quyết. Một số nơi cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chưa nhận thức được tầm quan trọng, tính phức tạp, khẩn cấp của thiên tai, có lúc còn chủ quan, lơ là…

z3563741931052_5e50a76a796b397ab1c56997adbe6509.jpg
Lực lượng biên phòng giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Tại Bình Thuận, đứng trước những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, trong năm 2021, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, các sở, ngành liên quan huy động tối đa các nguồn lực hiện có và xuất chi từ nguồn Trung ương hỗ trợ, nguồn ngân sách tỉnh 23 tỷ đồng, trong 8 tháng của năm 2022, tỉnh đã chi hơn 3,1 tỷ đồng. Qua đó để hỗ trợ kịp thời cho người dân bị thiệt hại do thiên tai gây ra, giúp người dân ổn định đời sống, sản xuất và sửa chữa công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, phục hồi tái thiết sau thiên tai với phương châm “xây dựng lại tốt hơn”.

z3738331962320_b77927769dd80b109464983c5777976c.jpg
Khắc phục tạm để hạn chế sạt lở bờ biển tại TP. Phan Thiết

Tuy vậy, thực tế trong những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ biển đã xảy ra ở nhiều nơi và đang có chiều hướng ngày càng gia tăng. Hiện tượng cát tràn thường xuyên và sạt lở bờ biển từ Tuy Phong vào tới huyện Hàm Tân đang và sẽ tạo ra những lực cản rất lớn kìm hãm tiến trình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh nhìn nhận, khi xảy ra tình huống thiên tai, sự cố phức tạp, công tác chỉ huy, chỉ đạo có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng. Phương châm “bốn tại chỗ” chưa được quan tâm đầy đủ, có nơi còn hình thức. Việc khắc phục hậu quả thiên tai triển khai còn chậm, thiếu nguồn lực, kinh phí nên xử lý không dứt điểm.

Đồng hành cùng ngư dân

Trở lại với vụ việc 15 ngư dân Bình Thuận bị gặp nạn trên biển vào tháng 7/2022. Sau khi xảy ra tai nạn đau lòng, các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương, các mạnh thường quân và nhân dân đã đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình các thuyền viên vượt qua hoạn nạn. Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đến viếng, thăm hỏi tại 6 gia đình có người thân bị nạn và những ngư dân may mắn trở về.

z3738305322832_53f259be3eb82e2e75c6d7640a8b558d.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An thăm hỏi, động viên các ngư dân vụ chìm tàu cá BTh 97478 TS.

Riêng tại gia đình thuyền trưởng Bùi Văn Toàn, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An khi đến thăm hỏi, đã nhắc nhở các thuyền viên phải rút kinh nghiệm, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết về thức ăn, nước uống dự phòng, các kỹ năng khi đánh bắt khơi xa. Đặc biệt, mới đây nhất (ngày 19/9), Hội Nghề cá Bình Thuận do ông Huỳnh Quang Huy làm chủ tịch, đã viết thư kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ, giúp đỡ gia đình 1 trong 6 ngư dân bị tử vong trên biển trong vụ chìm tàu cá BTh 97478 TS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Lời kêu gọi này đã nhận được nhiều sự ủng hộ, đồng tình của xã hội. Đây cũng là nguồn động viên tinh thần tích cực để ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển.

Cùng với công tác khắc phục, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, với mục tiêu đồng hành cùng ngư dân, chung tay góp phần khích lệ ngư dân vươn khơi bám biển, sát cánh cùng các lực lượng giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, vừa qua Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã phát động Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn”.

z3738422788762_8ce36565d7353deb219ef0002305edc0.jpg
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (áo trắng), lãnh đạo tỉnh và Hội Chữ thập đỏ tại lễ trao tặng phao cứu sinh

Riêng trong năm 2022, chương trình đã trao tặng 14.667 bộ áo phao cứu sinh đa năng, túi sơ cấp cứu, cờ Tổ quốc và huấn luyện sơ cấp cứu cho ngư dân nghèo, cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn của 14 tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận với tổng kinh phí hỗ trợ 23,8 tỷ đồng. Tại Bình Thuận, cuối tháng 5/2022, tỉnh vinh dự được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về thăm và tặng 1.250 bộ áo phao cứu sinh đa năng, 140 túi sơ cấp cứu, 140 lá cờ Tổ quốc trị giá hơn 1,9 tỷ đồng cho 6 huyện, thị, thành phố ven biển. Bộ áo phao cứu sinh đa năng gồm nhiều dụng cụ hữu ích giúp ngư dân trong trường hợp khẩn cấp do gặp sự cố hoặc thiên tai có thể tồn tại trên biển khoảng 8 ngày trong lúc chờ lực lượng cứu hộ đến giúp đỡ.

z3738417946363_924b76b89d6446a50d43bedab6831db7.jpg
Ngư dân với phao cứu sinh và lá cờ tổ quốc được trao tặng

Các ngư dân còn được huấn luyện sơ cấp cứu và phổ biến kiến thức pháp luật về đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác thủy hải sản. Phát biểu tại lễ trao tặng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh khẳng định: Những chiếc áo phao cứu sinh đa năng, túi sơ cấp cứu sẽ tạo điều kiện giúp cho ngư dân an toàn và tự tin hơn trong hoạt động nghề đánh bắt trên biển. Từ đó, tiếp thêm động lực để ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển, đảm bảo ổn định cuộc sống. Đồng thời, lãnh đạo UBND tỉnh bày tỏ mong muốn thời gian tới Bình Thuận sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài nước trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung và trên lĩnh vực xã hội nhân đạo, phòng, chống thiên tai nói riêng.

Bên cạnh việc dồn sức hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn tỉnh, hiện nay các đơn vị chức năng đang rà soát các trường hợp tàu thuyền ra biển không đủ trang thiết bị như phao cứu sinh, máy bộ đàm, đăng kiểm... theo Chỉ thị số 10/CT -UBND ngày 18/8/2022 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý tàu cá, phòng ngừa ứng phó sự cố khi tàu thuyền hoạt động trên biển.

Kiều Hằng- Ngọc Hân