Mấy độ thu về
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:53, 23/09/2022
Mùa thu có nhiều lá vàng. Từ xanh non đến xanh già, rồi vàng chờ rụng… là một thời gian sinh tồn của cuộc đời lá, hình như ngắn lắm. Mùa thu “con nai vàng ngơ ngác” và văn nhân, nhạc sĩ, thi sĩ, cũng ngơ ngác về mùa thu! Nhưng miền Nam chỉ có hai mùa mưa nắng, các mùa có đến, rồi đi âm thầm… Một ngày ra đường thấy lá vàng nhiều, rụng lưa thưa, thì mới biết là mùa thu đã về!
Cuộc đời, cái gì cũng đi qua, rồi nhớ nhớ, quên quên, nhưng đối với tôi chỉ có âm nhạc đến rồi ở lại. Có người cầu xin mong điều tốt lành đến cho gia đình, người thân. Còn tôi là người “ngoại đạo” ở nhà nằm xuống nghe nhạc để thấy bình an. Người ta đã chứng minh rằng, âm nhạc đã làm vạn vật sống khỏe, sống tốt. Và tâm hồn con người ai mà chẳng hân hoan khi nghe một bài hát hay đối với mình?
Có nhiều nhạc viết về mùa thu, nghe bài nào cũng hay, và bài nào cũng làm cho người ta nhớ, và cũng có rất nhiều nhạc sĩ nổi tiếng chỉ vì một bài hát về mùa thu. Mùa thu mang đến cho chúng ta bầu không khí trong lành, bầu trời mây bay lãng đãng, có khi thoáng một cơn gió nhẹ làm cho người ta rùng mình vì lạnh.
Có một thời, hình như xa lắm… từ năm 1960, trong nhịp điệu nghe như có vần, đúng trong khuôn, mà ngày ấy tôi chưa biết gì về nhịp phách của một bài hát, nhưng nghe sao nó dễ ca, nghe nó ngọt như đường phèn… Đó là ca khúc “Mấy độ thu về”. Rồi những ngày tiếp theo, khi đã nhuần nhuyễn bài hát “Mấy độ thu về”, mang giai điệu boléro, rồi nhìn bản nhạc tôi mới biết tác giả của nó, đó là cặp bài trùng Minh Kỳ - Hoài Linh. Tango thu, valse thu, slow thu… Nhưng boléro thu dù không sang trọng, nhưng vẫn là thứ tình cảm thân quen của một thời boléro không thể thiếu trong đời sống của những cô, chàng nông dân nghe nhạc.
Tôi nhớ lại, mùa thu năm ấy, tôi một đứa bé nhà quê lần đầu ra tỉnh, đến trường trong bẽn lẽn, có phần lo sợ, mắt lơ láo nhìn thấy cái gì cũng lạ, chân bước đi như “học trò lễ” vì mặc cái quần ka ki màu xanh mẹ mới mua, không vừa như “mặc quần bính” cộng với cái áo trắng rộng thùng thình bằng vải “bôm-bờ-lin” ba trái đào, chân đi đôi dép cũng mới, mới tập mang nghe nó đau chân!
Và những ngày nghỉ học, tôi ra tiệm không phải để mua sách báo, mà mua nhạc (những bản nhạc in rời). Từ một làng quê, ra tỉnh tôi mới được tự tay mình lựa những bài hát mà mình đã có lần nghe.
“Mấy độ thu về” đã đem đến cho tôi những lời ca mà từ năm 1960 đến nay tôi vẫn thuộc, đó là điều rất lạ mà tôi cũng đã từng tìm hiểu, sao cái gì tôi cũng quên, mà chỉ có nhạc là nhớ? Tôi nghe và hát lại những ca khúc cũ, chỉ để nhớ lại và thấy lại những hình bóng cũ, dù nơi xa xôi ấy, ở đó không có nhà cao cửa rộng, kỳ hoa dị thảo, mà là những mái nhà tranh, ngôi trường cô đơn đầy nắng gió...
Có biết bao nhạc phẩm viết về mùa thu, bài hát nào cũng cho chúng ta những nỗi buồn man mác, những thoáng vui nhè nhẹ. Mùa thu là mùa của nắng vàng, mùa của những chiếc lá vàng, nhưng luyến lưu cành chưa chịu rụng, tiếc nuối cũng chỉ để lá vàng, vàng thêm, rồi cũng phải lìa cành, nhường cho những nụ chồi xanh biếc nhú lên, hứa hẹn một mùa vàng tương lai nối tiếp. Bầu trời mùa thu, những đám mây mỏng, hứa sẽ làm những cơn mưa nhẹ…