Tuyệt đối không được chủ quan với siêu bão Noru
Đời sống - Ngày đăng : 16:52, 25/09/2022
Tham dự cuộc họp tại đầu cầu UBND tỉnh Bình Thuận có ông Mai Kiều- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT. Cụ thể, Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, lúc 13 giờ ngày 25/9, vị trí tâm bão Noru ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 122,5 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Philippin) khoảng 110km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183km/giờ), giật trên cấp 17. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi vào Biển Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.
Sau khi nghe nhận định và báo cáo công tác chuẩn bị ứng phó bão, Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá các đơn vị, địa phương đã có sự chuẩn bị tốt trước khi bão đổ bộ, nhưng vẫn cần bám sát các nội dung công điện của ban chỉ đạo.
Trong đó nhấn mạnh, công tác dự báo, đánh giá cần chính xác, kịp thời, nhất là việc bảo đảm sản xuất rau màu, thời vụ thu hoạch của các địa phương để hạn chế thiệt hại.
Các tỉnh thành có khả năng ảnh hưởng trực tiếp của bão cần hoãn các cuộc họp không thật sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão, lũ. Phân công lãnh đạo, triển khai lực lượng xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở.
Khẩn trương rà soát, kiểm đếm, hướng dẫn bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển và tại nơi tránh trú (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch).
Rà soát, kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của sóng lớn, ngập sâu, sạt lở, trên tàu thuyền tại nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, khu dân cư có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét.
Cùng với đó, chỉ đạo, hướng dẫn việc chằng chống bảo đảm an toàn nhà cửa, trụ sở, kho tàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là trước và trong khi bão đổ bộ và mưa lũ,…
Cũng ngay trong chiều nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký công điện yêu cầu các cơ quan và địa phương liên quan tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm "bốn tại chỗ" với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất.
Riêng tại Bình Thuận, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh cho biết, hiện các địa phương không mưa hoặc có mưa nhỏ. Các hồ chứa đều đạt xấp xỉ mực nước dâng bình thường, có hồ cao hơn và đang xả qua tràn (Trà Tân, Sông Móng). Công ty TNHH MTV KTCT thủy lợi tỉnh đã phân công trực 24/24 h tại tất cả các hồ chứa, đầu mối công trình thủy lợi và các điểm xung yếu để theo dõi tình hình thời tiết, mưa lũ về hồ.
Về tình hình tàu thuyền hoạt động trên biển, Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển biết tin về bão Noru trên hệ thống trực canh của đơn vị, mở đài canh 24/24 để tiếp nhận thông tin, kiểm soát tàu thuyền, hướng dẫn các chủ phương tiện nếu có sự cố xảy ra.
Toàn tỉnh hiện có 7.709 tàu thuyền /42.601 lao động. Đến 10 giờ ngày 25/9, số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 2.873 chiếc/15.495 lao động. Trong đó, tàu thuyền đánh bắt xa bờ 454 chiếc/3.922 lao động. Khu vực hoạt động từ Côn Đảo đến Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Tàu đánh bắt ven bờ 1.419 chiếc/11.573 lao động, khu vực hoạt động ven biển Bình Thuận. Tàu thuyền đang neo đậu tại các bến 4.836 chiếc/27.106 lao động. Các tàu thuyền tỉnh bạn đang neo đậu tại các bến trong tỉnh 100 chiếc/940 lao động. Ngoài ra, lồng bè nuôi trồng thủy sản trong tỉnh hiện có 111 lồng bè/1.256 lao động. Các chủ bè nuôi thủy sản đã được UBND các địa phương, bộ đội Biên phòng thông báo biết tin về tình hình thời tiết, ảnh hưởng của bão để có phương án gia cố, chằng buộc an toàn.