Động lực nào để ngư dân tiếp tục vươn khơi, bám biển?
Kinh tế - Ngày đăng : 05:23, 26/09/2022
Toàn tỉnh Bình Thuận có hơn 7.400 tàu cá, trong đó tàu khai thác xa bờ có chiều dài từ 15m trở lên hơn 1.900 chiếc, chủ yếu hành nghề vây rút chì, câu mực, lưới rê… Đây là nhóm tàu khai thác có hiệu quả kinh tế và đóng góp cho giá trị kim ngạch xuất khẩu cao, tạo nhiều việc làm cho ngư dân, giảm áp lực khai thác ven bờ. Ngư trường hoạt động của các tàu trong tỉnh chủ yếu quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1… Sự hiện diện của ngư dân trên các vùng biển xa không chỉ giúp phát triển kinh tế thủy sản, mà còn góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo.
Tuy nhiên, từ đầu vụ cá nam đến nay, biến động giá xăng dầu đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của ngư dân trên biển. Cao điểm nhất là trong tháng 7, 8 vừa qua, giá dầu liên tục “nhảy múa”, tăng cao chưa từng có khiến nhiều tàu cá trong tỉnh đã phải nằm bờ. Gần đây, khi giá nhiên liệu giảm nhẹ, ngư dân đã mạnh dạn vươn khơi trở lại nhưng nguồn lợi hải sản không còn dồi dào như trước, do đó, số lượng tàu vươn khơi không nhộn nhịp như những năm qua. Trước tình hình đó, vào tháng 7/2022, Bộ NN&PTNT đã kiến nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ giá xăng dầu, cũng như hỗ trợ trực tiếp cho ngư dân để họ tiếp tục vươn khơi đánh bắt, bảo đảm cuộc sống hằng ngày cũng như an sinh xã hội tại các địa phương.
Theo Bộ NN&PTNT, từ tháng 12/2021 đến nay, giá xăng, dầu liên tục tăng cao và được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp thời gian tới, tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống và an sinh xã hội của người dân, trong đó có cộng đồng ngư dân ven biển và ngành khai thác thủy sản. Đến nay cả nước có 91.716 tàu cá hoạt động, trong khi nhu cầu xăng, dầu cho hoạt động khai thác thủy sản trung bình khoảng 330 triệu lít/tháng. Ngư dân chủ yếu sử dụng dầu diesel 0.05S cho tàu khai thác thủy sản, nhưng giá dầu đã tăng lên tới 65%, tức là chi phí nhiên liệu để đảm bảo cho hoạt động khai thác thủy sản bình thường tăng thêm khoảng 3.776 tỷ đồng/tháng. Không chỉ vậy, chi phí nhiên liệu chiếm 45 - 60% chi phí đầu vào phục vụ sản xuất cho tàu cá khai thác thủy sản. Do giá nhiên liệu tăng nên giá các mặt hàng khác phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản tăng theo khoảng 10 - 15%, kéo theo chi phí đầu vào tăng 35 - 48%, nhưng giá bán hải sản tăng không đáng kể. Tính chung cả nước đến thời điểm hiện nay, tàu cá ngừng hoạt động chiếm khoảng 40 - 55%, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống, an sinh xã hội ngư dân, tác động đến chuỗi cung ứng thủy sản.
Bộ Nông nghiệp & PTNT còn nhấn mạnh, khi tàu cá ngừng sản xuất, không thường xuyên hiện diện trên vùng biển còn ảnh hưởng đến công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo. Do đó, Bộ Nông nghiệp & PTNT đã đề nghị có chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội cho thuyền viên tàu cá trong thời gian 6 tháng, thực hiện theo mức lương tối thiểu theo vùng áp dụng đối với người lao động. Mới đây, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao, trong đó đề xuất hỗ trợ bằng tiền từ ngân sách bù vào giá xăng dầu tăng cho ngư dân vươn khơi, bám biển. Ngày 12/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu chính sách hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân.
Thông tin này như tiếp thêm động lực, có ý nghĩa rất lớn giúp cho ngư dân trong tỉnh an tâm bám biển trong giai đoạn khó khăn này. Mặc dù chính sách này chưa nên hình nên dáng và có thể sẽ đợi một thời gian khá lâu, nhưng ngư dân trong tỉnh vẫn phấn khởi, hy vọng và mong muốn chính sách hỗ trợ giá xăng dầu sớm được xây dựng, triển khai. Qua đó, sẽ kịp thời hỗ trợ phần nào cho ngư dân, giúp họ đảm bảo đời sống, tạo động lực khuyến khích ngư dân tiếp tục vươn khơi, bám biển sản xuất.