Giảm nhẹ rủi ro thiên tai - việc không của riêng ai!. Bài 3
Chính trị - Ngày đăng : 05:30, 26/09/2022
Bằng mọi biện pháp để ưu tiên cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và của nhân dân. Ưu tiên ứng cứu các địa bàn bị ảnh hưởng trực tiếp, thiệt hại nặng do thiên tai, sự cố, thảm họa gây ra. Hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và các công trình trọng yếu. Đó là một trong những mục tiêu trong kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) giai đoạn 2021-2025 được UBND tỉnh Bình Thuận đề ra.
Chủ động ứng phó thiên tai dịp cuối năm
Những ngày cuối tháng 9/2022, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia liên tục phát thông tin những tháng cuối năm thiên tai còn diễn biến phức tạp, khó lường với 8-10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông. Trong đó 3- 5 cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền nước ta dồn dập trong tháng 10 - 11/ 2022.
Với những người dân sinh sống ven biển, vùng núi, vùng trũng của Bình Thuận đang thường xuyên gánh chịu tác động của thiên tai, có lẽ không nỗi lo nào sánh bằng. Bà Phan Thị Diễm Lệ- Chủ Khu nghỉ dưỡng Biển Ngọc, khu phố C, phường Thanh Hải (TP. Phan Thiết) có vị trí sát bờ biển đã ý thức được việc tự bảo vệ tài sản của gia đình trước thiên tai. Do bị biển xâm thực lấn sâu một phần khuôn viên khu nghỉ dưỡng, nên bà Lệ đã cố gắng mua đá hộc, thuê nhân công đắp bờ, ngăn cản sóng tiếp tục lấn sâu. Cùng với sự nỗ lực, chủ động của bản thân, bà Lệ bày tỏ mong muốn Nhà nước sẽ sớm hoàn thành dự án kè biển Thanh Hải trong năm tới. Công trình xây dựng tuyến kè bảo vệ bờ biển có chiều dài hơn 1.000 m. Giá trị dự toán xây dựng trên 65,9 tỷ đồng, đang được chính quyền và nhân dân TP. Phan Thiết nói chung và người dân ven biển phường Thanh Hải nói riêng mong mỏi từng ngày. Bởi khi có kè bảo vệ bờ biển, từng căn nhà, từng tấc đất của người dân sẽ được bảo vệ, cuộc sống bà con sẽ ổn định, an toàn hơn.
Đáng lưu ý, với yêu cầu cao về chủ động phòng ngừa, ứng phó thiên tai những tháng cuối năm 2022, trong ngày 20/9/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành- Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã có công văn yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Trưởng ban chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm hơn nữa đến công tác phòng, chống, giảm thiệt hại do thiên tai. Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 1/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCTT và TKCN; tổ chức rà soát kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai. Nhất là phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Đồng thời theo dõi, nắm sát tình hình, diễn biến thiên tai trên địa bàn. Chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ cứu nạn trong mọi tình huống, bảo đảm phù hợp với thực tế tại địa phương, không để bị động, bất ngờ.
Các biện pháp ứng phó lâu dài
Trong kế hoạch PCTT và TKCN giai đoạn 2021-2025 được UBND tỉnh Bình Thuận đề ra giữa tháng 7/2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong đã nêu ra biện pháp phi công trình và công trình. Trong đó, bao gồm việc tuyên tuyền nâng cao nhận thức cộng đồng.
Các địa phương triển khai nghiêm túc thực Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai…Song song, lập kế hoạch, rà soát, điều chỉnh phương án di dời sơ tán dân trước, trong và sau thiên tai. Một biện pháp không thể thiếu góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai được UBND tỉnh đề cập đến, đó là biện pháp trồng rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng, rừng ven biển chống cát bay…Theo đó, Bình Thuận đang phấn đấu thực hiện từ năm 2021 đến năm 2025 sẽ trồng mới đạt trên 40.000 ha rừng.
Về biện pháp công trình là xây dựng và tu sửa đê, kè biển. Nhất là các khu vực trọng điểm ven biển bị sạt lở đã và đang được triển khai xây dựng như kè Đồi Dương, kè Hàm Tiến - Mũi Né, Liên Hương… Cùng với đó, có kế hoạch xây dựng và tu sửa các hồ chứa, công trình thủy lợi; xây dựng cảng cá, khu trú đậu tàu thuyền. Đặc biệt, trong công tác phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, người dân không nên làm nhà ở những nơi không an toàn, thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất và tham gia cắm biển báo và đánh dấu các khu vực nguy hiểm. Chủ động dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men và chủ động sơ tán khi có nguy cơ xảy ra lũ quét, hoặc có lệnh của chính quyền địa phương…
Về phía đơn vị chuyên môn, ông Mai Kiều- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh cho biết, để thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai. Từ nay đến cuối năm 2022, tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực theo phân cấp, kết hợp xã hội hóa các nguồn lực hợp pháp trong và ngoài tỉnh để chủ động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Thực tế cho thấy, sự biến đổi toàn cầu hiện nay đã diễn ra nhanh hơn so với dự báo, đang tác động bất lợi đến các hiện tượng thời tiết cực đoan. Đây là một trong những thách thức lớn của toàn thế giới. Trong đó, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, bão, lũ, lốc xoáy… xảy ra ngày càng phức tạp, gây hậu quả lớn, phải mất nhiều năm chúng ta mới có thể khắc phục được. Chính vì vậy, để giảm nhẹ rủi ro và xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai, cần tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động. Đặc biệt, phải xác định PCTT và TKCN là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, liên tục cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội chứ không phải việc của riêng ai, như Chỉ thị số 09 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ.