Toàn tỉnh còn 24 tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình

Kinh tế - Ngày đăng : 05:18, 27/09/2022

Bình Thuận có 1.896 tàu cá đã lắp đặt thiết bị VMS/1.920 tàu cá chiều dài từ 15 m trở lên đang hoạt động (trong tổng số 1.941 tàu cá đã đăng ký) đạt tỷ lệ 98,8%.

Trong đó, nhóm tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên lắp đặt 38/38 tàu, đạt tỷ lệ 100%; nhóm tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m đã lắp đặt 1.858/1.882 tàu, đạt tỷ lệ 98,7%. Số còn lại 24 tàu cá (trong tổng số 45 tàu cá đã đăng ký) do khó khăn về tài chính, hoạt động cầm chừng, thua lỗ nên chưa có kinh phí để lắp đặt thiết bị VMS theo quy định (chiếm 1,2%). Các trường hợp này đã được các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương lập danh sách, đánh giá tình trạng hoạt động, đưa vào quản lý, kiểm soát chặt chẽ, không cho tàu xuất bến đi khai thác, không xử lý hồ sơ đăng ký, đăng kiểm và cấp giấy phép khai thác thủy sản. Đồng thời, quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí mua, lắp đặt thiết bị VMS theo Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 25/5/2022 HĐND tỉnh trong thời gian tới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp với các ngành, đơn vị và địa phương vận động và ưu tiên hỗ trợ đối với 24 trường hợp chủ tàu cá khó khăn về tài chính sớm được tiếp cận chính sách và hoàn thành việc lắp đặt trong quý III/2022.

thiet-bi-giam-sat-hanh-trinh-duoc-lap-tren-tau-ca-o-la-gi-anh-nl-.jpg

Ngoài ra, còn 21 tàu cá khác ngừng hoạt động trong thời gian dài và đang đậu bờ do nhiều nguyên nhân như: chìm (chưa xóa bộ), hư hỏng, không còn khả năng hoạt động, thi hành án, công ty giải thể, tàu dừng hoạt động nhiều năm do nợ nần, thiếu lao động... được Chi cục Thủy sản lập danh sách thống kê cụ thể từng trường hợp để theo dõi, quản lý và tạm thời đưa ra khỏi danh sách tàu cá thuộc diện bắt buộc phải lắp đặt VMS. Khi tàu cá muốn hoạt động trở lại, yêu cầu các chủ tàu thực hiện đầy đủ các quy định về điều kiện hành nghề, nhất là phải lắp đặt thiết bị VMS trước khi giải quyết các thủ tục về đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản.

M. Vân