Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025: Phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng

Xã hội - Ngày đăng : 05:50, 27/09/2022

Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trong phát triển lâm nghiệp trong những năm tới.

Mục tiêu tổng quát nhằm phát triển lâm nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả có sức cạnh tranh cao, liên kết theo chuỗi từ phát triển rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản. Quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng và diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp. Phát huy tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng để đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học…

lam-nghiep.jpg
Ngành lâm nghiệp phấn đấu đạt mức che phủ rừng ổn định. Ảnh minh họa.

Trong những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã có nhiều chương trình, kế hoạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng tham gia vào quản lý và bảo vệ rừng, tạo nguồn sinh kế thay thế cho những hoạt động khai thác tài nguyên rừng trái pháp luật, động viên người dân địa phương tham gia vào công tác quản lý rừng và góp phần xóa đói giảm nghèo. Trong các chương trình mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã có đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh là “Xây dựng mô hình phục hồi rừng nghèo bằng cây bản địa có giá trị tại huyện Bắc Bình và huyện Hàm Thuận Nam”. Quá trình triển khai, đơn vị đã phối hợp cùng đơn vị chủ rừng sở tại và người dân địa phương để thực hiện trồng và chăm sóc rừng thuộc mô hình phục hồi rừng. Cử cán bộ, công chức tham gia thực hiện Dự án JICA2 của tỉnh Bình Thuận, trong đó có các mô hình sinh kế gồm trồng và thâm canh cây điều ghép cao sản tại xã Đông Tiến (Hàm Thuận Bắc) xã Phan Lâm (Bắc Bình), trồng và thâm canh cây mãng cầu ghép tại xã Thuận Minh (Hàm Thuận Bắc)…

Trong giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện chủ trương giao khoán bảo vệ rừng đến các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đơn vị này còn phối hợp tổ chức thực hiện việc giao khoán bảo vệ rừng đến các hộ đồng bào dân tộc thiểu số với tổng diện tích 86.252,59 ha/2.379 hộ nhận khoán. Qua đó góp phần quản lý có hiệu quả tài nguyên rừng, tạo được sự gắn kết giữa người dân vùng rừng với chủ rừng và chính quyền địa phương, hạn chế có hiệu quả nạn phá rừng làm rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, tăng thu nhập cho các hộ đồng bào nhận khoán, nâng cao nhận thức của người dân về lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng. Bên cạnh đó còn tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân đối với các xã có rừng trên phạm vi toàn tỉnh. Qua các lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lâm nghiệp và quá trình hướng dẫn người dân tham gia thực hiện các chương trình, dự án giúp người dân hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của rừng, hiểu và thực hiện đúng quy định, khơi dậy ý thức trách nhiệm, tinh thần tự giác chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Bên cạnh đó, các lực lượng như: Kiểm lâm, công an, quân sự, chủ rừng, chính quyền địa phương cũng đã thể hiện rõ trách nhiệm, quan tâm trong công tác phối hợp, nhất là trong việc hỗ trợ tổ chức tuyên truyền, giáo dục các đối tượng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép. Thường xuyên cung cấp thông tin về xác định những tụ điểm tập kết mua bán, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, hành vi thủ đoạn các đối tượng phá rừng để các Hạt Kiểm lâm trao đổi, có biện pháp phối hợp kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời. Tăng cường công tác kiểm tra theo định kỳ và đột xuất, do vậy tình hình vi phạm pháp luật lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh tạm ổn định, trật tự quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản được kiểm soát.

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và chủ động triển khai các biện pháp để ngăn chặn kịp thời tình trạng xâm hại tài nguyên rừng, nhất là hành vi phá rừng trái pháp luật trên địa bàn tỉnh đòi hỏi các sở, ban, ngành và các địa phương tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, quyết định của Trung ương và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm về lâm nghiệp theo quy định của pháp luật. Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn có rừng, các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với các chủ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Kiểm tra, đôn đốc các hộ gia đình sống gần rừng, trong và ven rừng thực hiện cam kết với chính quyền địa phương và đơn vị chủ rừng trong công tác quản lý bảo vệ rừng, không phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép. Tăng cường công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu để phát hiện và kịp thời ngăn chặn ngay từ đầu những đối tượng đầu nậu, các đối tượng cầm đầu có hành vi tiếp tay, bảo kê cho các đối tượng khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái pháp luật, hủy hoại rừng...

THANH QUANG