Ngân hàng thương mại còn e ngại cho vay gói hỗ trợ 2%

Kinh tế - Ngày đăng : 05:52, 27/09/2022

Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, nền kinh tế bị suy giảm nghiêm trọng, ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã triển khai các gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp theo các chính sách, chủ trương từ Trung ương. Tuy nhiên, hiện nay gói cho vay hỗ trợ 2% theo Nghị định 31 vẫn còn rất thấp…

Năm 2021 ngành ngân hàng tập trung thực hiện chính sách cho người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất (chính sách này đã kết thúc vào 31/3/2022) và chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi cho doanh nghiệp (chính sách này đã kết thúc vào 30/6/2022). Ông Phạm Văn Trịnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận, cho biết: Kết quả thực hiện giải ngân cho vay 446 tỷ đồng/11 doanh nghiệp để trả lương ngừng việc cho 13.981 người lao động. Đã cơ cấu lại thời hạn nợ với tổng số nợ là 2.895,5 tỷ đồng/14.910 khách hàng. Đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho khách hàng với tổng số tiền 161,69 tỷ đồng. Năm 2022, cộng đồng doanh nghiệp mong chờ sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ phía ngân hàng. Thực hiện Nghị định 31/2022/NĐ-CP, ngành ngân hàng tỉnh Bình Thuận đã tổ chức 3 hội nghị nhằm triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong 11 ngành, lĩnh vực, đó là: hàng không; vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo (đã bao gồm máy móc, trang thiết bị, thuốc, hóa dược, dược liệu); xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, gửi tài liệu giải đáp cho các hiệp hội ngành nghề, Liên minh HTX tỉnh Bình Thuận. Công bố danh sách điện thoại, đường dây nóng nhằm tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp đối với những trường hợp từ chối hỗ trợ không đúng quy định.

Tuy nhiên, đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh mới chỉ có Agribank Bình Thuận hỗ trợ lãi suất cho 4 khách hàng, số tiền đã hỗ trợ lãi suất là 0,77 triệu đồng. Vậy nguyên nhân từ đâu? Trả lời câu hỏi này ông Trịnh cho biết: Nguyên nhân kết quả bước đầu không đạt như kỳ vọng là bởi chính sách này đang ở trong giai đoạn đầu triển khai tuyên truyền, phổ biến, tập huấn nghiệp vụ. Mặt khác trong các văn bản Trung ương ban hành còn nhiều điểm vướng mắc nên các ngân hàng thương mại còn e ngại vi phạm nên chưa dám quyết định hỗ trợ như: thế nào là “doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng phục hồi”; doanh nghiệp kinh doanh đa lĩnh vực, đa ngành nghề thì làm sao để tính toán chính xác đâu là nợ được hỗ trợ lãi suất, đâu là nợ không được hỗ trợ; hộ kinh doanh nhưng không có giấy đăng ký kinh doanh thì sao…

Để tháo gỡ những vướng mắc trên, sắp tới Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Thuận sẽ tổ chức thêm hội nghị vào ngày 30/9/2022 để giải đáp các vướng mắc của cả 2 phía là ngân hàng và doanh nghiệp. Trên cơ sở đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong thời gian tới.

Trần Thi