Ngăn chặn, xử lý nghiêm đối tượng khai thác lâm sản trái phép

Pháp luật - Ngày đăng : 05:30, 28/09/2022

Nhờ triển khai đồng bộ các nhiệm vụ đề ra, công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm. Song, tình trạng hủy hoại rừng vẫn xảy ra, nhất là rừng ở vùng giáp ranh, nhiều vụ phải xử lý hình sự…

Với mục tiêu không để xảy ra điểm nóng về phá rừng, khai thác, lấn chiếm đất rừng trái phép, từ đầu năm đến nay Chi cục Kiểm lâm tỉnh thường xuyên yêu cầu các Hạt Kiểm lâm, đơn vị chủ rừng thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trên tinh thần đó, kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng đã tăng cường tuần tra truy quét, nhờ vậy đã kịp thời phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm.

dsc05425.jpg
Hiện trường vụ khai thác lâm sản trái phép (ảnh tư liệu)

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 189 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, giảm 13 vụ so với cùng kỳ. Dù vậy, tại một số nơi, tình hình vẫn còn nhiều yếu tố phức tạp, có nguy cơ trở thành điểm nóng. Đáng lưu ý, tại khu vực rừng giáp ranh giữa huyện Bắc Bình với tỉnh Lâm Đồng, tình hình xe hoán cải, xe máy độ chế vẫn còn lén lút hoạt động trên lâm phần thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Cà Giây, Sông Mao, Sông Lũy. Tại khu vực này, lực lượng chức năng đã trục xuất ra khỏi rừng 2 lượt xe hoán cải, 2 lượt xe máy cày kéo rơ moóc có ý định vào rừng; đốt hủy 8 xe máy độ chế, 2 máy cưa.

Bên cạnh đó, hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép (với quy mô nhỏ lẻ) còn xảy ra tại Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, nhất là trên lâm phần thuộc Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, Ban QLRPH Hàm Thuận - Đa Mi và Công ty Lâm nghiệp Sông Dinh quản lý.

Được biết, bên cạnh xử lý hành chính những trường hợp vi phạm, cơ quan chức năng cũng củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm hành vi phạm pháp. Theo đó, đã ra quyết định khởi tố 10 vụ về tội hủy hoại rừng và tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng, lâm sản. Đơn cử, như vụ hủy hoại rừng với diện tích trên 10.000 m2 tại tiểu khu 58 rừng sản xuất trên lâm phần thuộc Ban QLRPH Sông Lũy; vụ vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản tại tiểu khu 195 rừng phòng hộ làm thiệt hại 20 cây gỗ lim xanh (khối lượng hơn 30 m3 gỗ) thuộc Ban QLRPH Đông Giang; vụ hủy hoại rừng tại tiểu khu 202 rừng phòng hộ làm thiệt hại 45,9 m3 gỗ trên lâm phần do Ban QLRPH Hàm Thuận - Đa Mi quản lý…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù đã khởi tố vụ án, nhưng hầu hết cơ quan chức năng đều chưa tìm được đối tượng liên quan. Đến thời điểm này, bước đầu chỉ mới xác định được vụ vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản tại tiểu khu 211 thuộc Ban QLRPH Hàm Thuận - Đa Mi, do 2 đối tượng là L.V.N, N.V.L (SN 1977, trú tại xã La Ngâu, Tánh Linh) thực hiện. Đây là 2 đối tượng tái phạm về hành vi khai thác lâm sản trái phép. Điều này cho thấy, công tác điều tra, xử lý đối tượng phạm pháp trên lĩnh vực này chưa cao. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa, tập trung điều tra, truy tìm bằng được đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm nhằm tăng tính răn đe, ngăn chặn hiệu quả tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, qua kiểm tra cho thấy, công tác phối hợp đối với nhiệm vụ bảo vệ rừng giữa các đơn vị chủ rừng, lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương có lúc chưa thường xuyên, chưa chặt chẽ. Trong khi đó, chi cục đang phấn đấu kiểm soát tình hình, không để gia tăng số vụ vi phạm và thiệt hại do phá rừng, cháy rừng gây ra so với cùng kỳ. Do vậy, thời gian tới sẽ tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, chống lấn chiếm đất rừng ở các địa phương; tiếp tục vận hành hệ thống cảnh báo mất rừng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tập trung lực lượng xử lý, ngăn chặn hình thành các điểm “nóng” về phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép…

LÊ PHÚC