Xu hướng gia tăng bệnh đái tháo đường

Y tế - Ngày đăng : 05:45, 28/09/2022

Bệnh đái tháo đường (còn gọi là bệnh tiểu đường) là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến hiện nay, nhưng gây tử vong khá cao. Nhiều người mắc bệnh mà không biết mãi cho đến khi xuất hiện các biến chứng nguy hiểm.

Tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường khám ngoại trú tại khoa nội của các bệnh viện, trung tâm trong tỉnh chiếm tỷ lệ 30% trở lên trong tổng số ca khám. Chẳng hạn, Trung tâm Y tế Phan Thiết tiếp nhận khám bệnh nhân mắc bệnh này khoảng 35% so với các bệnh khác tại khu khám của khoa nội. Tại Bệnh viện An Phước, phòng khám khoa nội tiếp nhận khoảng 60 ca mắc bệnh đái tháo đường, chiếm tỷ lệ 80% số ca bệnh của phòng khám trong ngày.

benh-nhan-tieu-duong.jpg
Bệnh nhân điều trị bệnh tại khoa nội của Bệnh viện An Phước. Ảnh: N.Lân

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bình Thuận phát hiện thêm 768 trường hợp mắc bệnh đái tháo đường mới kể từ đầu năm 2022 đến nay. Bên cạnh đó, có 4.626 trường hợp được khám, tư vấn và cấp phát thuốc; trong đó có 3.650 trường hợp đạt đường máu mục tiêu, kiểm soát đường huyết, kiểm soát các thành phần lipid trong máu, điều trị huyết áp cao và điều chỉnh cân nặng cơ thể. Lũy tích tổng số bệnh nhân đái tháo đường đang được quản lý và điều trị là 7.762 trường hợp.

Nhiều người ở độ tuổi 30-40 tuổi mắc bệnh đái tháo đường mà không biết; phát hiện qua khám bệnh định kỳ hoặc xuất hiện các dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Bệnh này có tỷ lệ tử vong đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau bệnh ung thư và tim mạch. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra hàng loạt biến chứng liên quan đến tim mạch, thần kinh, thận, mắt...

Nếu trong thập niên 90, số người mắc bệnh đái tháo đường rất ít so với tỷ lệ trên 10.000 dân, nhưng đến nay tỷ lệ này đang gia tăng nhanh chóng, xuất hiện khắp nơi. Dự báo, con số mắc bệnh đái tháo đường sẽ tiếp tục gia tăng, đang phải gánh chịu áp lực về kinh tế, xã hội trong cộng đồng. Đáng chú ý, bệnh đái tháo đường trước đây thường gặp ở các bệnh nhân lứa tuổi trung niên từ 50 tuổi trở lên. Tuy nhiên, qua công tác giám sát và điều trị, tình trạng hiện nay dần trẻ hóa độ tuổi; người mắc bệnh rơi vào lứa tuổi 30 - 40 tuổi. Đó là chia sẻ của bác sĩ Võ Xuân Lộc - Trưởng khoa nội của Bệnh viện An Phước.

Theo bác sĩ Lộc, người bệnh phát hiện bị mắc bệnh đái tháo đường thông qua kiểm tra sức khỏe, phát hiện giai đoạn sớm. Bệnh không thể chữa khỏi được nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được, thường gặp ở người béo phì, người có lối sống ít vận động. Bệnh đái tháo đường không tách rời 1 bệnh mà kèm theo bệnh khác có liên quan với nhau như bệnh tăng huyết áp, mỡ trong máu…

Ở giai đoạn đầu (tiền tiểu đường), người bệnh có thể không cần dùng thuốc điều trị, thay đổi chế độ ăn uống, tập luyện thể thao. Sau thời gian, người bệnh cũng phải sử dụng thuốc điều trị bệnh tiểu đường. Khi mắc bệnh, người bệnh phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị, ăn kiêng, tập thể dục, giám sát đường huyết bằng xét nghiệm… nhằm duy trì, kiểm soát đường huyết. Để tránh mắc bệnh đái tháo đường ở người trẻ tuổi, là thường xuyên tập luyện thể thao (vận động nhiều), không ăn quá nhiều chất béo, đường; không để thừa cân. Từ đó sẽ giảm nguy cơ tỷ lệ người mắc bệnh này.

TRANG MINH