Đồng hành cùng nông dân làm giàu

Kinh tế - Ngày đăng : 05:55, 28/09/2022

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua Hội Nông dân huyện Hàm Tân đã đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Những cách làm hay, mô hình hiệu quả

Mô hình trồng hoa phong lan của anh Nguyễn Anh Tài tại khu phố 4, thị trấn Tân Minh (Hàm Tân) là một trong những mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ 3 ha ban đầu với nhiều khó khăn trong chăm sóc, phòng ngừa các loại nấm bệnh nên những lứa hoa lan đầu tiên kém năng suất, chất lượng. Nhờ học hỏi kinh nghiệm, lâu dần anh đã nắm được kỹ thuật, từ đó chất lượng cũng như năng suất ngày một tốt hơn và đem lại thu nhập cao. Ước tính mỗi tháng vườn lan của anh thu vào vài trăm triệu đồng. Từ những hiệu quả và thành công đạt được, anh Tài đã mua thêm 2 ha đất để mở rộng quy mô trồng lan. Đồng thời, chia sẻ cách trồng lan và liên kết với những người trồng lan trong vùng thành lập Tổ hợp tác (THT) trồng lan với mục tiêu xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, nâng cao thu nhập cho các thành viên trong THT. Cuối năm 2021, THT Vườn lan ra đời do anh Tài làm tổ trưởng, không chỉ chuyên sản xuất kinh doanh các loại lan mà còn tổ chức trao đổi, thu mua, bao tiêu sản phẩm của các thành viên để cung cấp cho thị trường. Đến nay, THT Vườn lan có 11 thành viên với diện tích 9 ha, chủ yếu là trồng lan ngọc điểm, lan giả hạc, lan kiếm và giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động, thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng/1 lao động. Tổng thu nhập sau khi đã trừ chi phí, mỗi thành viên lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/năm.

4f0fd5d6-4b6f-489c-92f1-d901ebaf752f.jpeg
Mô hình sản xuất hoa lan.

Ngoài ra, còn có nhiều mô hình hiệu quả, cách làm hay mang lại thu nhập kinh tế cao và được nhân rộng trong hội viên nông dân trên địa bàn huyện Hàm Tân. Điển hình như mô hình sản xuất meo giống nấm, phôi nấm, nấm ăn, nấm dược liệu của hộ ông Trần Minh Kiển ở khu phố 1, thị trấn Tân Nghĩa với tổng diện tích 0,6 ha, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động, mức thu nhập 5 - 15 triệu đồng/tháng/1 lao động. Tổng thu nhập sau khi đã trừ chi phí khoảng 700 triệu đồng/năm. Hay như mô hình nuôi trồng thủy sản của hộ ông Lê Hồng Sơn ở thôn Gò Găng, xã Tân Thắng với tổng diện tích nuôi trồng 2,5 ha, giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động, thu nhập bình quân cho mỗi lao động 7 - 10 triệu đồng/tháng. Tổng thu nhập sau khi đã trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 750 triệu đồng/năm và hàng năm giúp đỡ 10-15 hộ nghèo khó khăn về vốn, vật tư, cây giống để họ làm ăn thoát nghèo…

47b779ab-60b4-4441-8dad-54749c08d6c3.jpeg
mô hình sản xuất nấm dược liệu

Chỗ dựa tin cậy của nông dân

Theo Hội Nông dân huyện Hàm Tân, 5 năm qua (2017-2022) phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi tiếp tục phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa trong hội viên, nông dân và các tầng lớp nhân dân trên tất cả các lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Qua đó, Hội Nông dân huyện đã phát huy vai trò là cầu nối tích cực giúp nhiều hội viên nông dân, hợp tác xã ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập. Bằng các hoạt động liên kết tổ chức trưng bày, giới thiệu nông sản, kết nối doanh nghiệp với nông dân. Cùng với đó là việc quản lý tốt các kênh tín dụng vốn vay với số tiền trên 490 tỷ đồng đã tạo điều kiện cho trên 8.400 lượt hộ nông dân vay phát triển kinh tế. Đồng thời, hỗ trợ giống, vốn và kỹ thuật cho nông dân phát triển, mở rộng sản xuất để ngày càng xuất hiện nhiều hơn nữa các mô hình kinh tế cho thu nhập cao, góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Điều đáng mừng, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã làm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của người nông dân. Đó là chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún dần sang sản xuất hàng hóa lớn, từ kinh tế hộ đơn lẻ sang hợp tác, liên kết, liên doanh theo chuỗi, từ sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống dần sang ứng dụng công nghệ cao, từ năng suất lao động thấp sang năng suất lao động với hàm lượng khoa học công nghệ cao, từ coi trọng về số lượng sản phẩm sang chất lượng, giá trị lợi nhuận gắn với an toàn thực phẩm và phát triển bền vững. Đời sống, vật chất và tinh thần của nông dân được nâng lên, hàng trăm hộ nông dân thoát nghèo và làm giàu. Đặc biệt, ngày càng xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, vượt khó vươn lên thoát nghèo, quyết tâm làm giàu và giúp đỡ người khác cùng vươn lên làm giàu.

Qua bình xét, số hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp lần thứ X, giai đoạn 2017 – 2022 toàn huyện 3.704 hộ, chiếm 31% so với hộ có hội viên nông dân toàn huyện (11.972). Trong đó, có 13 hộ cấp Trung ương, 123 hộ đạt cấp tỉnh, 433 hộ đạt cấp huyện, 3.135 hộ đạt cấp xã, tăng 392 hộ so với giai đoạn 2014 - 2017 (3.312 hộ). Trong đó, hộ đạt thu nhập từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng/năm có 3.080 hộ; hộ đạt từ 200 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng/năm có 447 hộ; hộ đạt từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng/năm có 154 hộ; hộ đạt từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng/năm có 19 hộ; hộ đạt từ 1 tỷ đồng/năm trở lên có 4 hộ.

Thanh Thủy