Nguy cơ cháy nổ từ việc mua xăng đem về nhà tích trữ

Pháp luật - Ngày đăng : 05:28, 29/09/2022

Lo ngại sẽ tái diễn tình trạng đứt nguồn cung xăng, một số người dân ở huyện đảo Phú Quý đã mang can, thùng nhựa, chai thủy tinh… đến các cửa hàng xăng dầu để mua xăng về tích trữ ngay khi mặt hàng này được bán trở lại. Tuy nhiên, việc mua xăng về nhà tích trữ như vậy tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao, có thể bị xử lý hình sự…

Đến thời điểm này, những bồn chứa xăng tại các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn huyện Phú Quý đã được bơm đầy, đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, tuần vừa qua khi các cây xăng trên địa bàn huyện Phú Quý phải đồng loạt treo biển “hết xăng” do bị gián đoạn nguồn cung tạm thời, hàng loạt phương tiện lưu thông nơi đây phải “đắp chiếu”, việc đi lại của người dân vì thế gặp những khó khăn nhất định. Chỉ sau vài ngày, những chiếc tàu chở xăng dầu cho Phú Quý đã cập cảng, cung ứng cho các cây xăng. Xăng về, người dân Phú Quý lập tức đưa phương tiện của mình đến đổ đầy bình. Trong số đó, không ít người còn mang nhiều dụng cụ chứa mua xăng mang về nhà tích trữ, phòng trường hợp cửa hàng lại hết xăng. Việc đem xăng về nhà tích trữ là vấn đề đáng lo, bởi nếu không có biện pháp phòng cháy nghiêm ngặt sẽ rất dễ dẫn đến cháy nổ, cháy lan cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

z3746139497889_142d329182a77d6ee4c7e18b15957d7c.jpg
Người dân đến đổ xăng khi cây xăng ở xã Tam Thanh bán trở lại. 
xang.jpg
Lo ngại sẽ tiếp tục hết xăng, một số người dân mang can nhựa đến mua xăng về tích trữ. 

Trên thực tế, tại các tỉnh, thành trong cả nước từng ghi nhận nhiều vụ cháy nhà dẫn đến chết người từ việc tích trữ xăng dầu. Điển hình và đau đớn nhất trong thời gian gần đây có lẽ là vụ cháy năm 2020, xảy ra tại nhà ông N.V.V ở huyện Phù Cát, Bình Định. Ngày ông V. xuất viện về nhà, trong căn nhà vẫn còn loang lổ những vết cháy, nhưng điều ông V. đau lòng nhất không phải tài sản, nhà cửa đã bị thiêu rụi, mà là đứa con gái 5 tuổi của ông đã ra đi mãi mãi. Vụ cháy xảy ra ngày 8/2/2020, ban đầu chỉ là ngọn lửa nhỏ, nhưng rồi bùng phát vì can xăng 12 lít ông V để gần đó chia nhỏ bán lẻ. Rất đông bà con đã đến dập lửa, tuy nhiên việc dập lửa bằng nước làm cho ngọn lửa có xăng càng bùng phát dữ dội. Khi phát hiện lửa cháy lan vào trong nhà, cháu bé hoảng loạn, lùi vào phòng nhỏ bên trong, đóng cửa kín nên đã chết ngạt. Nguyên nhân vụ cháy được xác định là do hệ thống điện nhà ông V. bị chập. Ngọn lửa phát ra từ điện gặp can xăng nên bùng cháy. Nếu như lúc này có bình chữa cháy và biết sử dụng thì đám cháy đã được dập tắt ngay từ đầu, không lan to như vậy. Và nếu như hiểu biết hơn về cách dập lửa thì hậu quả đau lòng đã không xảy ra. Trong khi đó, cách nhà ông V. khoảng 5m là đống cát lớn của nhà kế bên đang dùng xây nhà nhưng đã không sử dụng để dập lửa.

Từ vụ việc trên cho thấy, hậu quả cháy, nổ từ xăng là vô cùng nghiêm trọng. Bởi xăng là chất nguy hiểm cháy, nổ cao và có tính chất lý, hóa đặc biệt, nếu tích trữ trong các can nhựa hoặc thiết bị chứa không phù hợp với đặc tính của xăng dầu thì rất dễ dẫn đến hiện tượng bị hư hỏng hoặc do va đập làm vỡ, thủng thiết bị chứa dẫn đến rò rỉ xăng ra ngoài, tạo thành môi trường nguy hiểm cháy, nổ, đặc biệt là trong không gian kín, hẹp. Theo quy định của pháp luật, tùy mức độ vi phạm, việc tích trữ xăng trái quy định có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự (quy định tại Điều 32, Nghị định 144 của Chính phủ; Điều 311 Bộ luật Hình sự 2017).

Thiết nghĩ, mong muốn có hàng hóa thiết yếu để sử dụng là nhu cầu chính đáng; lo lắng tình trạng hết xăng lại tái diễn của người dân là một thực tế và có cơ sở. Song, để bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho gia đình, cộng đồng thì không nên tích trữ xăng dầu tại nhà, bởi một khi xảy ra cháy thì hậu quả không thể lường hết được. Người dân chỉ mua xăng vừa đủ với nhu cầu sử dụng trong ngày; tuyệt đối không chứa xăng trong thiết bị dễ vỡ, thủng. Mặt khác, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát; chủ động đề ra các biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân bị đứt gãy, đặc biệt là trên địa bàn huyện đảo Phú Quý.

LÊ PHÚC