Chuyện vươn khơi “tàu 67” ở La Gi
Kinh tế - Ngày đăng : 10:15, 31/05/2018
Ngư dân phát triển ngành nghề
Ông Nguyễn Tấn Nguyên ở phường Bình Tân vẫn còn nhớ cảm giác vui mừng khi tàu BTh 98289 TS đóng mới bằng nguồn vốn vay Nghị định 67 hoàn thành và được hạ thủy thành công vào cuối năm 2016. Đây là con tàu vỏ gỗ có công suất 823 CV (mã lực) sử dụng máy thủy Nhật Bản, được trang bị máy móc và hệ thống điện cũng như các thiết bị khác rất hiện đại với chiều dài 24 m và khoang chứa lên đến 80 tấn. Tàu thiết kế chuyên hành nghề mành chụp trên các vùng biển xa được đóng mới với số tiền hơn 13 tỷ đồng, trong đó 70% từ nguồn vốn vay Nghị định 67. Đến nay tàu đã đi hàng chục chuyến, mỗi chuyến đều cho lãi khá.
Ông Nguyên chia sẻ: “Nghề biển nghề lâu đời của gia đình cha truyền con nối và sau này các con tôi cũng vậy. Trước đây, tôi làm nghề giã cào, nhưng từ khi có chủ trương chuyển đổi ngành nghề tôi đã quyết định đổi sang nghề mành chụp để đảm bảo kinh tế và bảo vệ môi trường. Nhờ con tàu công suất lớn đã chịu đựng được thời tiết tốt hơn và đảm bảo an toàn”. Ông Nguyên là một trong 3 ngư dân đầu tiên của La Gi vay vốn theo Nghị định 67 làm nghề mành chụp. Tàu nâng của chị Lê Thị Thu Vân nâng cấp từ giã cào năm 2017 chuyển qua làm nghề mành chụp mới đi được vài chuyến biển nhưng lãi hơn trăm triệu đồng. Ở La Gi còn có tàu đóng mới của các ông Nguyễn Văn Quáng, Bạch Lòng, Nguyễn Văn Vinh và tàu cá nâng cấp của các ông Trần Thanh Dũng, Trần Văn Thanh làm ăn khá hiệu quả.
Theo đánh giá của Phòng Kinh tế thị xã, kết quả bước đầu khảo sát về hiệu quả kinh tế của 9 tàu cá đóng mới và nâng cấp theo Nghị định 67 đều làm ăn có lãi…
Và những khó khăn
Đến nay, toàn thị xã có 30 trường hợp được UBND tỉnh có quyết định phê duyệt danh sách đóng mới, nâng cấp tàu cá xa bờ theo Nghị định số 67, tổng vốn vay dự kiến 311,2 tỷ đồng, trong đó đóng mới 21 chiếc; nâng cấp, cải hoán 9 chiếc. Đến nay, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã giải ngân 11 trường hợp với số tiền đầu tư trên 94,4 tỷ đồng, đã có 9 tàu cá đóng mới và nâng cấp hạ thủy đi đánh bắt hải sản. Thị xã đã củng cố, thành lập 79 tổ/884 thuyền tham gia tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển. Trong năm 2017, đã hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho 302 tàu/2.374 thuyền viên.
Tuy nhiên, theo Phòng Kinh tế La Gi vẫn còn những khó khăn, vướng mắc là số chủ tàu đăng ký và được UBND tỉnh phê duyệt có đến 93 trường hợp. Tuy nhiên nhiều chủ tàu chưa hiểu rõ, đầy đủ xin rút đơn ra khỏi danh sách đóng mới, nâng cấp do thiếu vốn đối ứng (30%). Tiến độ triển khai còn chậm do quá trình lập hồ sơ các chủ tàu thường xuyên thay đổi nội dung. Thị xã có 1 tàu cá của bà Nguyễn Thị Kính (phường Phước Hội) làm nghề câu khơi xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản bị bắt giữ, tài sản thế chấp là con tàu bị mất, nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình không còn nên ngân hàng rất khó khăn thu hồi nợ. Năm 2017, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT xem xét rất kỹ, thị xã chỉ có 2 trường hợp được giải ngân nâng cấp tàu cá. Một khó khăn nữa, ngoài Ngân hàng Agribank tiến hành cho ngư dân vay vốn đóng tàu, những ngân hàng thương mại khác vẫn chưa “mặn mà” tham gia. Trong khi đó chính sách vay vốn lưu động, thủ tục vay mất nhiều thời gian, lãi suất kém hấp dẫn không đáp ứng kịp thời cho chuyến biển nên ngư dân chọn hình thức vay ứng trước của các đầu nậu cho tiện lợi, dễ dàng, thời gian vay ngắn.
T.Duyên