Bài dự thi Cờ đỏ: Hành động vì dân. Bài 1: Bao giờ “nhà chồ” thay áo mới?
Xã hội - Ngày đăng : 09:45, 30/09/2022
Dựa vào mục tiêu trên, những năm qua tại Bình Thuận việc gần dân, sát dân, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của dân là “chìa khoá” để mọi quyết sách, chủ trương sát đúng và phù hợp với thực tiễn, mang lại môi trường đáng sống cho người dân. Câu chuyện về dự án Kè sông Cà Ty (đoạn từ cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm) sẽ làm rõ sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 – 2025 trong việc hành động vì dân.
Bài 1: Bao giờ “nhà chồ” thay áo mới?
30 năm sau ngày tái lập tỉnh, Bình Thuận đã vươn mình phát triển mạnh mẽ và đã có sự bứt phá ngoạn mục từ kinh tế đến văn hóa - xã hội. Thế nhưng, bên cạnh những “nốt thăng” vẫn còn những “nốt trầm” mà qua nhiều thời gian vẫn chưa kịp tháo gỡ. Một trong những “nốt trầm” đó là xóm “nhà chồ” nằm ven sông Cà Ty thuộc 2 phường Phú Trinh và Phú Tài (TP. Phan Thiết).
Lay lắt “xóm chồ”
Chúng tôi men theo những con hẻm nhỏ đến với xóm “nhà chồ” ven sông Cà Ty. Hình ảnh đập vào mắt chúng tôi đó là những ngôi nhà tạm bợ, xiêu vẹo nằm ven sông, điều kiện sống thiếu thốn, không đảm bảo, môi trường thì ô nhiễm trầm trọng. Cái khó, cái nghèo cứ đeo bám những con người nơi đây từ năm này sang năm khác.
7h tối, trong căn nhà lụp xụp tầm 20 mét vuông được cất tạm, bà Nguyễn Thị Đẩu khu phố 8, phường Phú Trinh, TP. Phan Thiết đang chuẩn bị nguyên liệu cho cho nồi bánh canh vào ngày mai để bán kiếm sống nơi đầu con hẻm. Bà Đẩu cho biết, bà đã có hơn 50 năm sinh sống nơi này, chứng kiến nhiều đổi thay của thành phố, thế nhưng “nhà chồ” nơi bà ở vẫn vậy. Vẫn nghèo, vẫn là những căn nhà chấp vá, xiêu vẹo và căn nhà của bà cũng nghiêng ngã mỗi khi thủy triều lên. “Khổ lắm. Nhiều đêm đang ngủ, tôi giật mình khi nước lên mấp mé bên giường, lúc ấy chỉ biết cuống cuồng bỏ chạy. Còn khi gió lớn làm nhà cửa rung rinh là chuyện thường ngày. Đã không biết bao nhiêu lần như vậy nữa để mà nhớ”, bà Đẩu chia sẻ.
Các hộ dân nơi đây cho biết, khu “nhà chồ” ven sông Cà Ty ( đoạn từ Cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm) được hình thành từ lâu. Nhiều gia đình đã trải qua từ 2, 3 thế hệ. Thu nhập chính của họ dựa vào việc khai thác, đánh bắt hải sản gần bờ và ven sông. Trong khi đó, nhiều hộ không có công ăn việc làm ổn định, bám víu lấy nhau trong không gian chật hẹp. Gọi là nhà, thế nhưng thực ra chỉ có hơn 4m2 đang là nơi ăn, chốn ở của 1 gia đình có 5 thành viên. Hơn 30 tuổi, thế nhưng vợ chồng chị Nguyễn Thị Hường (khu phố 8, phường Phú Trinh, TP. Phan Thiết) có tới 4 mặt con. Chị Hường cho biết, chỉ có đứa con đầu được đến lớp tình thương, 3 đứa còn lại vẫn chưa được đến trường. “Mọi chi phí sinh hoạt trong nhà đều trông chờ vào những chuyến đi biển thuê của chồng. Mà đi biển cũng bấp bênh lắm, bữa được bữa đói thì lấy đâu ra tiền lo cho con đến trường. Tôi cũng đã xin đi làm thêm nhưng con còn nhỏ quá không ai trông coi ”, chị Hường buồn rầu nói.
Chờ đợi sự đổi thay
Phan Thiết là một trong số ít những thành phố vẫn còn xóm nhà chồ. Tình trạng ô nhiễm môi trường nơi đây ngày càng trở nên trầm trọng. Rác, nước thải, chuột, muỗi… ngày càng nhiều. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Do đó, khi nghe tin có chủ trương di dời đến nơi ở mới khang trang, ổn định, có điều kiện phát triển hơn đa số các hộ dân đều đồng tình ủng hộ.
Ông Nguyễn Văn Bảy (khu phố 8, phường Phú Trinh, Tp. Phan Thiết) chỉ vào con kênh nước chảy đen ngòm, rác thải nhiều và hôi hám nói, ông đã ở bên con kênh này trên 40 năm, chịu đựng được tất cả những mùi hôi thối bốc lên từ kênh mương. Nhưng khi vừa nghe chủ trương của Nhà nước là sẽ di dời đến nơi ở mới thì ông vui mừng hết sức. “Mình quen chứ con, cháu mình thì không quen với nơi này, ảnh hưởng sức khỏe lắm. Chỉ có đến nơi ở mới cuộc sống mới tốt lên được. Chứ bao nhiêu năm rồi, chỉ thấy muỗi nhiều, chuột nhiều và rác nhiều lên chứ đời sống không khá lên được”, ông Bảy nói.
Theo ông Lê Văn Xuân - Trưởng khu phố 8, phường Phú Trinh, khu phố có gần 300 hộ dân cất nhà ven theo dòng sông Cà Ty. Những căn nhà này đa phần là lấn chiếm bờ sông để xây dựng nhà tạm. Ngày mưa cũng như ngày nắng, môi trường xung quanh rất ô nhiễm bởi rác, nước thải sinh hoạt, rồi chưa kể vỏ sò, vỏ ốc của các hộ dân đổ ra mé sông gây ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện cho ruồi, muỗi sinh sôi. Không những thế, mỗi khi có bão, mưa lớn, thủy triều dâng cao, bà con nơi đây luôn đối mặt với những nguy hiểm. Ông Xuân cũng cho biết, chính vì đời sống nghèo khó, tạm bợ nên rất nhiều trẻ em trong khu vực “nhà chồ” không được đến trường đến nơi đến chốn. “Đã nhiều lần chúng tôi tổ chức khảo sát xem ý kiến của bà con nơi đây như thế nào, thì đa phần ai cũng được muốn đến nơi ở mới, sạch sẽ, có điều kiện hơn. Tuy nhiên, bà con cũng mong rằng, nơi ở mới sẽ vẫn thuận tiện trong việc đi biển, vì “an cư” mà không “lạc nghiệp” thì cũng rất khó cho bà con”- ông Xuân nói.
Không chỉ các hộ dân sống trong khu vực trên mong chờ, mà đã là người con của thành phố Phan Thiết ai cũng muốn khu “nhà chồ” sớm được di dời, để xây dựng kè sông Cà Ty thông thoáng, sạch đẹp hơn. Ông Châu Thanh Liêm (phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết) cho biết, Phan Thiết được tạo hóa ban tặng cho dòng sông Cà Ty êm đềm chảy giữa lòng thành phố. Mười mấy năm về trước, 2 bên bờ sông đoạn qua thành phố là những nhà chồ san sát nhau, làm tắc nghẽn dòng chảy, rồi ô nhiễm nặng nề. Ấy vậy mà, những “nhà chồ” lụp xụp năm ấy giờ đã định cư trên vùng đất mới là Văn Thánh. Bờ kè 2 bên dòng sông đã được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp. Điều đó đã tạo ấn tượng tốt không chỉ với người dân của thành phố mà còn đối với nhiều du khách khi đến thăm Phan Thiết. “Thế nhưng còn khu “nhà chồ” này không biết khi nào sẽ thay áo mới? Chúng tôi mong muốn các cấp lãnh đạo sớm di dời, chỉnh trang lại bờ kè, tạo nên hình ảnh đẹp cho thành phố Phan Thiết”, ông Liêm chia sẻ.
“Mình quen chứ con, cháu mình thì không quen với nơi này, ảnh hưởng sức khỏe lắm. Chỉ có đến nơi ở mới cuộc sống mới tốt lên được. Chứ bao nhiêu năm rồi, chỉ thấy muỗi nhiều, chuột nhiều và rác nhiều lên chứ đời sống không khá lên được”, người dân khu “nhà chồ” cho hay