100.000 gia súc ở Ấn Độ chết vì bệnh viêm da nổi cục
Quốc tế - Ngày đăng : 17:02, 01/10/2022
Hơn 2 triệu gia súc nhiễm vi rút gây Bệnh viêm da nổi cục (LSD) – một trong những căn bệnh đang bùng phát mạnh ở Ấn Độ, trong đó gần 100.000 con bò và trâu đã chết.
LSD đang đe dọa đến 300 triệu con gia súc của Ấn Độ. Bệnh do một loại virus có tên capripoxvirus gây ra, lây truyền qua các loại côn trùng hút máu như muỗi, ve.
Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi liên bang Ấn Độ cho biết, đợt bùng phát đầu tiên vào tháng 7 ở các bang miền Tây Rajasthan và Gujarat, sau đó lây lan sang hơn 250 huyện.
Số gia súc chết nhiều nhất là bang Rajasthan với 65.000 con, tiếp đến là bang Punjab và Gujarat, nơi sản xuất sữa lớn nhất của Ấn Độ.
Vi rút gây nổi cục dưới da, trước khi vỡ ra tạo thành các vết thương sâu gây nhiễm trùng. Hai tháng qua, tại trang trại bò sữa Rajaram Gaushala Ashram ở huyện Banaskantha, bang Gujarat có hơn 500 con bò đã chết. “Chúng tôi có 5.300 con bò, nhưng 1.000 con đã nhiễm bệnh và một nửa trong số đã chết”, ông Ram Ratan Das quản lý trang trại bò cho tờ The National biết và nói thêm: “Các vết thương có giòi, chúng tôi làm sạch vết thương và cho bò uống thuốc. Đây là lần đầu tiên những con bò trong trang trại của tôi bị bệnh”.
Để ngăn chặn lây lan bệnh dịch, Ấn Độ thiết lập các phòng kiểm soát và kêu gọi những sáng kiến phòng ngừa hiệu quả trên khắp nước. Hơn 10 triệu gia súc đã tiêm mũi vắc xin của một loại bệnh tương tự.
Gurugram – thành phố vệ tinh bên ngoài thủ đô Delhi báo cáo gần 100 con gia súc chết và 900 con nhiễm bệnh trong 24 giờ qua.
Tòa án cấp cao Delhi trong tuần qua đã nhận được đơn kiến nghị các ngành chức năng có biện pháp ngăn chặn khẩn cấp để loại bỏ căn bệnh. Các bác sĩ thú y cho biết, mưa nắng thất thường với những trận mưa không ngớt và nắng nóng gây lũ lụt, hạn hán ở nhiều bộ phận quốc gia đã kích hoạt sự bùng phát virus này phát triển mạnh, nhất là ở khu vực có nhiệt độ ẩm thấp.
Tình hình “tồi tệ”
Bệnh LSD lần đầu tiên ghi nhận ở Cộng hòa Namibia của Nam Phi vào năm 1929 và trường hợp đầu tiên ở Nam Á vào năm 2019, sau đó xuất hiện ở bang Maharashtra, miền Tây Ấn Độ.
“Tình hình thật sự tồi tệ. Tuy tỷ lệ tử vong không nhiều nhưng tỷ lệ mắc bệnh cao và lây lan khá nhanh. Sau những trận mưa, chúng ta nhận rất nhiều sinh vật sinh sôi nảy nở. Chúng ta cần phải hạn chế chúng tiếp xúc với gia súc”, Tiến sĩ Vandana Gupta, Phó Giáo sư tại Đại học Khoa thú y Nanaji Deshmukh ở bang Madhya Pradesh nói với The National rằng, dịch bệnh bùng phát mạnh hiện nay cũng một phần do không tiêm vắc xin cho gia súc.
Tháng qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công bố, các nhà khoa học Ấn Độ đã phát triển một loại vắc-xin LSD bản địa. Ông nói, các mũi tiêm sẽ có sẵn trong vài tháng.
“LSD đang lây lan vì chúng ta không có vắc-xin LSD. … Bất cứ cái gì mà chúng ta đang dùng, chúng ta không biết hiệu quả chúng thế nào. Các dòng vi rút có thể thay đổi và chúng ta cần cập nhật vắc-xin”, Giáo sư Vandana Gupta nói
Dịch bệnh bùng phát đang gây thiệt hại nặng nền kinh tế nông dân chăn nuôi bò sữa. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ, Ấn Độ là một trong những nhà sản xuất sữa lớn nhất thế giới với 22% sản lượng toàn cầu. Sữa là một trong những lĩnh vực đóng góp cho ngành nông nghiệp đáng kể, chiếm tới 5% nền kinh tế của đất nước và mang lại việc làm trực tiếp cho hơn 80 triệu người. Chandrapal Singh – nông dân bang Uttar Pradesh nói với một tờ báo địa phương, “Khoảng 15 -20 làng có một bác sĩ thú y. Họ yêu cầu chúng tôi tạo khoảng trống giữa những con bò. Chúng tôi đã kiến nghị với các cơ quan chức năng, nhưng nó không có ích gì. Ở làng tôi, khoảng 30 con bò đã bị chết. Sản lượng sữa đã đi xuống”.