Bình Thuận chung tay xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa
Chính trị - Ngày đăng : 05:25, 03/10/2022
1. Dân chủ XHCN là dân chủ của đại đa số nhân dân, gắn với quyền dân chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, được pháp luật bảo đảm dưới sự lãnh đạo của Đảng; là hình thức thể hiện quyền tự do, bình đẳng của công dân, xác định nhân dân là chủ thể của quyền lực. Chính vì thế, dân chủ XHCN là bản chất của chế độ, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước.
Thực tế, không phải đến nay, khái quát cốt lõi về bản chất của nền dân chủ XHCN và xây dựng nền dân chủ XHCN ở nước ta mới được đặt ra, mà ngay từ khi Đảng ra đời (3/2/1930), trong cương lĩnh chính trị đầu tiên Đảng đã nhất quán chủ trương, đường lối trong giai đoạn cách mạng giải phóng dân tộc phải xây dựng và phát triển chế độ dân chủ nhân dân với mục tiêu cốt lõi là “Độc lập dân tộc, người cày có ruộng” và thực hiện quyền phổ thông đầu phiếu trong lĩnh vực chính trị. Khi chuyển sang giai đoạn cách mạng XHCN dựa trên cơ sở kế thừa nền dân chủ nhân dân đã có, mục tiêu xuyên suốt xây dựng, phát triển nền dân chủ XHCN là: “Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Thực tiễn hiện nay cho thấy, những mục tiêu mà Đảng, Nhà nước ta đề ra trong việc xây dựng CNXH nói chung và phát huy dân chủ XHCN nói riêng đã và đang từng bước được hiện thực hóa trên tất cả mọi mặt của đời sống xã hội. Vấn đề “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” đang hiện diện rộng rãi trên các mặt, địa bàn dân cư. Tuy nhiên, trong quá trình ấy, nước ta cũng thường xuyên phải đối mặt với các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Chúng lu loa cho rằng: “Một Đảng là chuyên quyền, độc đoán, không thể có dân chủ”. Chúng núp dưới các chiêu bài “phản biện xã hội”, đấu tranh vì “dân chủ”, “nhân quyền”, xây dựng “xã hội dân sự”, kích động tư tưởng, thái độ thù địch… đòi “đa nguyên, đa Đảng” để nhằm hạn chế, từ đó dần thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ nền dân chủ XHCN.
2. Cùng cả nước xây dựng nền dân chủ XHCN, xuyên suốt quá trình đấu tranh, giải phóng quê hương Bình Thuận đến ngày hòa bình, chung tay xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, các cấp ủy Đảng tại Bình Thuận luôn coi trọng, quan tâm chỉ đạo thực hiện việc phát huy dân chủ XHCN trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền và coi đây là nhiệm vụ then chốt. Trong đó đáng chú ý là kết quả thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở những năm gần đây.
Đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận cho thấy, nhận thức, trách nhiệm thực hành dân chủ của các cấp ủy, các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đội ngũ đảng viên, CBCCVC và nhân dân được nâng lên; dân chủ được thực hiện rộng khắp gắn với giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương; tham gia quản lý xã hội của nhân dân ngày càng được phát huy, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Kết quả thực hiện QCDC còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Thuận đã nỗ lực, sáng tạo, chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng trên các mặt, tạo chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội; kinh tế tiếp tục tăng trưởng; bộ mặt đô thị và nông thôn, kể cả vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Kết quả thực hiện QCDC trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cũng đã góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng trong sạch, vững mạnh. Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ luôn gắn chặt với việc thực hiện QCDC ở cơ sở (như việc xây dựng các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; việc tổ chức đại hội Đảng các cấp; tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp...). Công tác quản lý nhà nước ngày càng được tăng cường, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan chính quyền được nâng lên. Phong cách, tác phong làm việc của CBCC luôn được kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời, từ đó nhiều vấn đề, vụ việc bức xúc và nguyện vọng chính đáng của nhân dân được giải quyết.
3. Có thể khẳng định, trải qua 92 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn dựa vào dân, vì dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, coi đó là mục tiêu và động lực của cách mạng. Đó cũng chính là bài học quý báu để Đảng ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách. Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Đó là thành quả, là công sức và cả xương máu của biết bao thế hệ cha anh đi trước.
Hiện tại trong quá trình thực hiện dân chủ XHCN, đâu đó vẫn còn hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách, cũng như đến từ một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, tự diễn biến, tự chuyển hóa, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng đến quá trình xây dựng nền dân chủ XHCN, mà gần nhất là những sai phạm của cán bộ cấp cao dẫn đến khai trừ khỏi Đảng, bắt tạm giam đối với nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh và nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long... Tuy nhiên có thể khẳng định rằng, dân chủ chính là giá trị cốt lõi của CNXH, là nhân tố tạo ra sự ổn định, phát triển và thịnh vượng để xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân.
Chính vì vậy, nhiệm vụ đặt ra hiện nay trong xây dựng nền dân chủ XHCN không phải là trách nhiệm của riêng một tổ chức hay cá nhân nào, mà là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, mà tiên phong là đảng viên, cán bộ công nhân viên chức, trong đó có việc thực thi đúng đầy đủ các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, phát huy tuyệt đối quyền làm chủ của nhân dân. Đồng thời cả việc tham gia đấu tranh phản bác trước các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch đối với nền dân chủ XHCN mà chúng ta đang xây dựng nói riêng và nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung.