Người truyền cảm hứng môn tiếng Việt cho học sinh
Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 05:57, 03/10/2022
Cô Nguyễn Thị Minh Lộc chia sẻ: Cảm thụ văn học là một phân môn trong chương trình tiếng Việt ở tiểu học. Đó là một môn học khó đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng đọc hiểu và cảm nhận được cái hay, cái đẹp, ý nghĩa sâu sắc trong một đoạn văn, đoạn thơ hay một tác phẩm. Tuy vậy ở chương trình tiếng Việt bậc tiểu học không phân phối một tiết học riêng biệt, học sinh chỉ được làm quen qua những giờ tập đọc, giờ học tập làm văn hay luyện từ và câu.
Ngoài ra, ở lớp 3 môn học này chỉ yêu cầu các em viết đoạn văn nhưng sang lớp 4 các em phải viết hoàn chỉnh bài văn có đủ ba phần (mở bài, thân bài, kết bài). Năm học 2021 - 2022, tôi được phân công chủ nhiệm lớp 4 với 28 học sinh. Đa số các em viết văn không tốt, câu văn lủng củng, sử dụng văn nói và từ địa phương nhiều. Các em chưa biết diễn đạt ý trọn vẹn, câu văn chưa gãy gọn, chưa trau chuốt lời lẽ. Qua khảo sát, trong 28 em thì chỉ có 2 em làm đạt điểm 9, 10, điểm 7 - 8 là 6 em, còn lại đạt mức trung bình. Qua kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm, tôi cũng nhận thấy trong các đề thi học sinh giỏi Lê Quý Đôn do huyện Hàm Thuận Bắc tổ chức hàng năm, ở môn tiếng Việt thường có một câu hỏi hoặc bài tập về phần cảm thụ văn học.
Vì thế, để việc bồi dưỡng và giảng dạy có hiệu quả, trong phân môn tập đọc, cô Lộc đã hướng dẫn học sinh kỹ năng thể hiện giọng đọc thông qua nội dung đoạn văn. Đặc biệt trong hệ thống câu hỏi (tìm hiểu bài) đưa ra những vấn đề gợi mở dành cho đối tượng học sinh năng khiếu để các em phát huy năng lực hiểu và cảm thụ của mình. Trong quá trình giải nghĩa từ có trong sách giáo khoa thì khuyến khích các em lựa chọn thêm những từ ngữ chứa đựng giá trị nội dung nghệ thuật. Kết hợp với đó là dùng từ đặt câu, tìm hình ảnh so sánh, nhân hóa, tập làm văn...
Với những học sinh năng khiếu được bồi dưỡng ngoài buổi học, cô cho các em tự do trình bày theo suy nghĩ riêng của bản thân về một chủ đề mà giáo viên đưa ra. Các bạn trong lớp bồi dưỡng có thể phản biện, bổ sung thêm. Sau đó giáo viên mới chốt lại những kiến thức trọng tâm và cần thiết qua phần trình bày của các em. Ngoài ra, tận dụng phần mềm trình chiếu PowerPoint giúp học sinh dễ tiếp thu và cảm nhận. Khai thác các tính năng Quizizz- ứng dụng được dùng kiểm tra kiến thức ở các môn học cũng như kiến thức xã hội thông qua hình thức trả lời trắc nghiệm để các em vừa được chơi, vừa được cung cấp kiến thức, giúp các em thoải mái, tự tin lựa chọn, trình bày. Với ứng dụng bản ảo Padlet, các em có thể gõ trực tiếp câu trả lời của mình trên tính năng này. Sau khi kết thúc thời gian bồi dưỡng giáo viên sẽ vào kiểm tra và nhận xét bài làm của học sinh. Ngược lại, học sinh có thể vào và xem giáo viên nhận xét bài làm của mình để tiếp tục phát huy, chỉnh sửa và gửi lại giáo viên kiểm tra. Cũng nhờ áp dụng những tính năng sẵn có này mà trong quá trình bồi dưỡng trực tuyến cả cô và trò đã lĩnh hội được nhiều kiến thức. Các em không tỏ ra nhàm chán mà còn hăng hái tích cực tham gia vào các lớp bồi dưỡng. Kết quả cuối năm học 2021-2022 mức độ cảm thụ văn học của các em tiến bộ rõ rệt. Có 15/28 em đạt điểm 9, 10; chỉ có 4 em ở mức trung bình và 8 học sinh được bồi dưỡng đều hoàn thành tốt yêu cầu.
Thầy Lương Ngọc Thái – Hiệu phó Trường tiểu học Hòa Thành nhận xét: Cô Minh Lộc là một giáo viên tâm huyết, tích cực đổi mới, sáng tạo trong chuyên môn. Với sáng kiến nâng cao năng lực cảm thụ văn học cho học sinh năng khiếu lớp 4 đã được Hội đồng sáng kiến huyện Hàm Thuận Bắc công nhận có tính mới và đưa vào áp dụng trong toàn huyện.