Ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Bài 1
Pháp luật - Ngày đăng : 05:48, 04/10/2022
Bài 1: Lần theo nguồn xả thải
“Nước hôi bò đâu có uống được... Rửa mặt mũi, tay chân thì ngứa chịu không nổi”, ông Lê Văn An gay gắt phản ứng khi nói về tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở khu vực suối Le.
Suối bốc mùi
Con đường dài xuyên rừng vắng vẻ với ổ voi, ổ gà dẫn tôi đến khu vực suối Le dưới chân núi Dây, huyện Bắc Bình. Nơi đây trước kia thuộc xã Bình Tân quản lý, nhưng sau này điều chỉnh địa giới hành chính thì thuộc về xã Sông Lũy. Khu vực có con suối nước trong veo, bắt nguồn từ trên núi Dây chảy xuống bình nguyên xanh, người ta gọi là suối Le theo tiếng địa phương và sau này cả khu vực được gọi theo tên như thế.
Người dân xã Bình Tân vẫn trồng trọt, chăn nuôi bò, dê ở đây, họ xem con suối như bầu sữa mẹ ngọt lành tưới tiêu cho cây trồng, chăn nuôi gia súc, thậm chí họ còn uống, rửa mặt mỗi trưa hè nắng nóng. Trong số đó có gia đình ông Lê Văn An (48 tuổi) ở thôn Bình Nghĩa có 4 ha đất rẫy đang canh tác đậu phộng. Ông kể, mình đã theo cha làm rẫy ở đây từ năm 12 tuổi. Khu vực này gần suối, đất tốt nên cha mẹ ông chọn khai hoang canh tác và đến đời ông tiếp nối.
Họ dựng chòi ở lại tiện cho việc canh tác, chiều tối trở về vì nhà xa. “Nhà tôi cách rẫy 12 km, đường sá đi lại khó khăn, mùa nắng còn đỡ, mùa mưa lầy lội, đàn ông, đàn bà chạy xe bị té miết. Ở đây nhà ai cũng vậy, cả ngày ở rẫy chăm sóc cây trồng, vật nuôi, chiều tối mới về nhà”, bà Trân, vợ ông An ngoài tứ tuần có dáng người chịu thương chịu khó, đang cặm cụi nhổ cỏ, chăm sóc đậu phộng nói qua lớp khẩu trang kín mít.
Cuộc đời họ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ở đây tưởng mãi bình yên như thế, cho đến một ngày xuất hiện dự án chăn nuôi vịt công nghiệp. Dự án đến đã làm nhiều người ăn theo tìm đến mua đất, đẩy giá đất lên cao. Điều này tạo nên nguồn sinh khí mới, tiếp thêm động lực giữ đất để canh tác, chăn nuôi phát triển kinh tế hộ gia đình vốn là nguồn sống chính.
Tuy nhiên, đi đôi với điều đó là mối lo về ô nhiễm nguồn nước. “Trước đây nước suối trong veo, chúng tôi lội xuống suối rửa mặt, bây giờ nước hôi thối không dám rửa vì ngứa, chịu không nổi”, ông An dẫn tôi đến con suối nước đen ngòm và bốc mùi hôi chảy qua rẫy nhà mình, chỉ tay nói gay gắt. Ông còn bảo, cách đây vài ngày cá chết, nay đã phân hủy nên chim, cò ăn hết. Như để chứng minh điều đó, ông cung cấp cho tôi một clip quay cảnh cá chết, đồng thời khẳng định chắc nịch, trang trại chăn nuôi vịt cách rẫy nhà ông khoảng hơn 2 km đã xả thải xuống suối.
Để làm rõ những gì ông nói, tôi len lỏi qua những bụi cây rừng khó đi bằng xe 2 bánh tay ga vốn không phù hợp đi đường rừng, tìm đến khu vực trang trại chăn nuôi vịt. “Ở đây có thằng Tân nó rao bán 3 ha đất với giá 5 tỷ đồng, không biết nó bán chưa... Mùi hôi thối từ trang trại vịt, ngửi mãi cũng quen rồi...”, ông Nguyễn Hữu Tuân, một nông dân làm rẫy gần trang trại nuôi vịt nói khi tôi hỏi ông về tình hình mua bán đất đai và ô nhiễm môi trường.
Trò chuyện với ông Tuân một hồi, tôi tiếp tục men theo con đường đất lầy lội, ra phía sau và bên hông trang trại vịt. Mùi hôi nồng nặc bốc lên từ những hố, vũng nước đen ngòm, dấu tích của xả thải từ trang trại nuôi vịt ra môi trường, cụ thể là ra suối. Đi dọc theo con suối đến rẫy của các hộ sản xuất, chăn nuôi khác chúng tôi thấy nước cũng đen ngòm, bốc mùi hôi chảy về hướng rẫy nhà ông An...
Chứng cứ vững chắc
Đem những bằng chứng trao đổi với lãnh đạo địa phương, nhưng ông Nguyễn Lê Thái Dũng – Chủ tịch UBND xã Sông Lũy khẳng định không có chuyện xả thải, vì Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bắc Bình phối hợp với UBND xã kiểm tra định kỳ. “Ở đó xa khu dân cư, có vài hộ canh tác rẫy, hơn nữa trang trại này chăn nuôi theo mô hình khép kín”, ông Dũng tin chắc không xả thải. Không chỉ có vậy, ông Đinh Hoài Ân – Chủ Trang trại chăn nuôi vịt Thành Ân, nơi người dân khẳng định đã xả thải ra môi trường gây ô nhiễm suối cũng cho biết qua điện thoại, trang trại không xả thải ra môi trường, mọi nguồn nước của trang trại đều đưa vào hố biogas.
Trước những trả lời ấy, tôi đến khu vực xả thải của trang trại nuôi vịt Thành Ân một lần nữa, có sự trợ giúp của những người ở xã Bình Tân vì phần lớn người dân xã này sản xuất, chăn nuôi ở khu vực suối Le và hạ nguồn của suối. Hôm ấy trời mưa nên không nắng nóng như lần đến trước, nước phân hôi thối từ trang trại nuôi vịt chảy vào một hố lớn bên ngoài trang trại, từ đây thoát ra suối tỏa đi các nhánh mẹ, nhánh con... có sự chứng kiến của người dân. Ông Ân cũng có mặt và nói trong vẻ lo ngại, từ khi bắt đầu xây dựng trang trại vào khoảng cuối năm 2021, ông chỉ quan tâm hoạt động xây dựng và chăn nuôi ở phía trước của trang trại, không để ý phía sau, bây giờ mới phát hiện. “Chúng tôi sẽ khắc phục ngay bằng cách bơm gom vào một hố và bít tất cả lối thoát ra bên ngoài...”, ông Ân nói.
Trở về trong cơn mưa tầm tã sau khi lần tìm nguồn xả thải, tôi nghĩ nhiều đến nông dân, nhưng không quá trách móc nhà đầu tư trang trại nuôi vịt vì họ có thể không cố ý. Chính họ đánh thức vùng đất, chọn nơi heo hút xa khu dân cư này đầu tư để không ảnh hưởng môi trường khu dân cư. Tuy nhiên, không lường trước được vấn đề nên để ảnh hưởng đến kế sinh nhai của nhiều hộ dân.
Mong suối lại trong
Người dân vẫn đang không ngừng gọi điện cho tôi hỏi tin tức về tình hình xử lý vì sợ chứng cứ sẽ bị phi tang, nhưng họ vẫn mong trang trại nuôi vịt xử lý dứt điểm không xả thải và có biện pháp xử lý các tồn tại, trả lại môi trường trong lành, nguồn nước suối trong vắt như xưa. Vì cuộc sống người dân của mình, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân Huỳnh Minh Tuấn cho biết sẽ thông báo cho xã Sông Lũy biết để phối hợp nhắc nhở chủ trang trại.
Cho đến nay trang trại nuôi vịt Thành Ân đã có 8 trại hoạt động với 96.000 con vịt trên khuôn viên 10,43 ha. Theo quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, “các khu vực nhà nuôi vịt, bố trí nằm 2 bên của nhà nghỉ trực, đài nước và hồ chứa nước để thuận tiện trong quá trình chăn nuôi, cách ly vịt. Khu vực xử lý nước thải, rác thải, hồ biogas được bố trí gần khu nuôi vịt thuận tiện đường ống kỹ thuật. Để giảm sự ảnh hưởng nhiều nhất có thể đến các khu vực xung quanh trang trại khi hoạt động, xung quanh dự án đều có bố trí hệ thống dải cây xanh”.
Đi vào hoạt động không lâu nên trang trại chưa hình thành rõ nét những gì theo thiết kế quy hoạch. Nhưng đây là việc của trang trại, cái chính là người nông dân nơi đây đang cần môi trường sản xuất, chăn nuôi tốt, với con suối trong xanh như trước.
“Những hố, vũng nước đen hôi, chỉ cần đổ tấn vôi là nước sẽ trong lại ngay. Chúng tôi đang nỗ lực xử lý để không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh”, ông Đinh Hoài Ân nói.