Tuy Phong phát huy lợi thế về nông nghiệp
Kinh tế - Ngày đăng : 05:22, 06/10/2022
Sức bật từ cây chủ lực
Lâu nay Tuy Phong vẫn được nhắc đến là vùng đất có khí hậu khắc nghiệt, khô hạn hơn những vùng khác. Bởi thế, trong một buổi tiếp xúc cử tri tại địa phương, lãnh đạo UBND huyện khi đánh giá về tình hình phát triển kinh tế - xã hội đã khẳng định, Tuy Phong đã và đang phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu hiện có để chọn loại cây trồng phù hợp. Cụ thể, hiện nay diện tích cây lúa của huyện khoảng 2.000 ha, thanh long trên 600 ha, nho 50 ha và táo 70 ha. Những cây trồng này được huyện xác định là cây trồng chủ lực, ưu tiên phát triển… Đáng nhắc đến, hiện một số hộ dân tại xã Phong Phú và Phước Thể đã từng bước chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang các cây trồng khác, nhất là diện tích cây táo tăng 20 ha so với cuối năm 2021. Hầu hết diện tích trồng táo đều chuyển sang trồng trong nhà lưới nên năng suất đạt tương đối cao, bình quân từ 22 - 25 tấn/ha.
Bên cạnh còn một số cây ngắn ngày như củ cải, đậu, hành tím và rau màu các loại. Cùng với đó, việc chuyển giao, nhân rộng và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đối với các loại cây trồng này được tập trung đẩy mạnh. Nhờ vậy, nông dân đã giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất và giá trị chất lượng sản phẩm.
Riêng về diện tích lúa, nếu so với các vùng sản xuất nông nghiệp lớn của tỉnh như Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình thì Tuy Phong có diện tích sản xuất lúa khá ít. Tuy nhiên, năng suất lúa của nông dân sau mỗi vụ sản xuất lại tương đối cao. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuy Phong cho biết, trong năm 2022, huyện đã tổ chức sản xuất 2 vụ lúa với tổng diện tích 4.254 ha. Trong vụ đông xuân năm 2021 - 2022 năng suất bình quân đạt 7 tấn/ha. Vụ hè thu năm 2022, diện tích gieo hơn 2.000 ha, hiện cơ bản thu hoạch xong với năng suất bình quân ước đạt 6 tấn/ha.
Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Hiền (thị trấn Liên Hương): Gia đình chị vừa gặt xong 5 sào lúa Đài Thơm 8 và Ma Lâm 48. Chính nhờ mảnh ruộng đóng chân tại cánh đồng Đội 5 màu mỡ, thổ nhưỡng phù hợp, cộng thêm sự đầu tư chăm sóc cần mẫn, nên năm nào sản lượng lúa cũng nhỉnh hơn các hộ khác.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ
Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuy Phong cho biết: Trong năm 2022, Huyện ủy đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 05 ngày 10/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững có giá trị gia tăng cao trên địa bàn huyện. Trên cơ sở đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng kế hoạch và đang từng bước tổ chức thực hiện. Trong đó, thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chú trọng một số cây trồng chủ lực sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và ứng dụng công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt, nhà lưới nâng cao năng suất cây trồng và mang lại hiệu quả kinh tế.
Một trong những chỉ tiêu phấn đấu của địa phương đến năm 2025, diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt từ 1-1,5% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 1 ha trồng trọt đạt 140 triệu đồng… Để đạt được mục tiêu này, chính quyền địa phương đang tập trung quy hoạch phát triển vùng sản xuất cây, con chủ lực để xác định không gian phát triển, đủ các điều kiện như chủ động nước tưới, khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán sản xuất. Huyện sẽ duy trì ổn định và phát triển các loại cây trồng hiện nay như thanh long, táo, nho phù hợp với quy hoạch và nhu cầu thị trường. Đến năm 2025 phát triển các loại cây ăn trái khác như xoài, quýt, dừa… với diện tích trên 100 ha. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước.
Sau nhiều năm phát triển, mảnh đất Tuy Phong giờ đã đổi thay tích cực. Các loại cây trồng chủ lực, lợi thế, nhờ đủ đầy nước tưới từ các hồ thủy lợi đã tạo ra sự hòa hợp từ khí hậu, thổ nhưỡng và công sức con người, tạo nét đặc trưng kinh tế nông nghiệp riêng của vùng đất nắng gió.