Tiếng bìm bịp kêu

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:52, 07/10/2022

Xa miền quê hơn ba mươi năm; hàng năm tôi đều được về thăm ông bà, cha mẹ, thăm quê hương Hàm Mỹ - Hàm Thuận Nam thân yêu. Một vùng đất vừa có ruộng đồng vừa có núi rừng; có cả dòng sông, con suối uốn quanh, nên tuổi thơ tôi với những từ “chim sa, cá lặn” nó gần gũi vô cùng và luôn sống dậy trong lòng mỗi khi nghĩ về quê hương.

Tôi là người sinh ra và lớn lên ở nhà quê, nên từ bé việc thả lưới, giăng câu bắt cá; bẫy chim không hề xa lạ với tuổi thơ của mình. Lúc còn nhỏ thì lẽo đẽo theo ba đi khắp ruộng đồng, nương rẫy, núi rừng; tập bơi trên những khúc sông bằng các cây chuối khi mùa nước lũ tràn về. Lớn lên một tí thì ban ngày một mình chăn bò lặn lội khắp các cánh đồng; lên núi lấy củi, hầm than; ban đêm soi đèn bắt cá, bắt cua… đem bán để mưu sinh. Vì thế tôi có thể thuộc lòng và nhái được nhiều thứ tiếng chim kêu khác nhau như: Chim bồ chao kêu từng bầy đàn làm nổi da gà khi một mình đi ngang qua một khu rừng rậm. Tiếng con cúm núm kêu chiều; tiếng con cút gầm, cút quách kêu mỗi khi cơn mưa vừa dứt. Tiếng con cu gáy khi sớm mai thức dậy, chim bìm bịp kêu khi nước lũ dâng cao.

1200px-centropuschlororhynchuslegge.jpg

Những năm sau này, tôi có về thăm quê vào dịp cuối mùa thu; quê hương còn đó những trận mưa nặng hạt, kéo dài do bão từ biển đông đổ bộ vào dãy đất miền trung ruột thịt; nước mênh mông, ruộng đồng trắng xóa, hoa màu chìm ngập trong dòng lũ. Không còn cảnh người nông dân kết bè chuối theo dòng nước thả lưới giăng câu; không còn cảnh trẻ em ngụp lặn với nước… chỉ có nỗi xót xa, khóc thương khi mùa màng bị mất trắng. Tiếng con chim bìm bịp kêu âm thanh như đang ngụp lặn giữa dòng nước mênh mông, vừa như thảng thốt, vừa như nỗi khắc khoải, chờ mong; vừa như tiếc nuối một cái gì đã mất, gợi trong lòng người một nỗi niềm riêng báo hiệu một năm lao động trôi sông đổ biển. Câu truyện cổ tích về “Con chim bìm bịp”, như nhiều người thường nghe kể: Thuở con người ý thức về tâm linh thì một nhà sư ăn chay, niệm phật nơi cửa chùa đã lâu mà không thành chính quả. Ông quyết chí, khăn gói quả mướp đi gặp Phật tổ để hỏi cho ra lẽ: Tại sao tu lâu thế mà không thành chính quả? Ông đi và đã gặp một tên cướp cầm thanh đại đao đứng chặn đường. Sau đó, bất ngờ tên cướp quỳ xuống trước mặt ông xin cứu! “vì bàn tay con đầy máu, tội lỗi ngút trời, muốn sám hối! xin theo tu hành”. Nhà sư an ủi: “Tu cốt là tu tâm, không thể thu nạp tên cướp vì đang trên đường đến gặp Phật tổ”. Tên cướp móc quả tim đưa cho nhà sư nhờ đến hỏi bậc thánh hiền: “Tu như thế đã được chưa”? rồi lăn ra chết. Nhà sư niệm phật siêu thoát cho vong hồn tên cướp rồi gói quả tim tên cướp đưa cho lên đường mang theo cả lời nhắn của người đã chết. Nhà sư đi đến ngày thứ ba, quả tim bốc mùi không chịu nổi, ông vứt quả tim xuống dòng sông cho biệt tích. Nhưng quả tim lại nổi lên đập nhịp sự sống, phát ra tiếng kêu: Bịp, bịp, bịp, bịp, bịp… Nhà sư đến gặp Phật tổ, ông rất phấn khích được đức Phật ngợi ca công đức, cuối cùng Đại Đức hỏi: “Trên đường lên đây, có ai gửi gì tới ta không”? Nhà sư nghĩ một lúc lâu mới nhớ ra, bèn thưa lên Đức Phật: “Có tên cướp dâng lên Phật tổ một quả tim. Hắn còn nhờ con hỏi: “Tu như thế đã thành người tử tế chưa”? Nhưng nó thối quá con vứt xuống dòng sông rồi ạ! Đức Phật phán: “Con có nhiều công đức, nhưng chưa đủ căn nguyên. Nay con về tìm lại quả tim của tên cướp rồi hãy đến gặp ta”. Lúc ấy nhà sư mới tỉnh ngộ, liền quay lại khúc sông đi tìm quả tim. Ông ta tìm mãi không thấy, một ngày kia hắn chết hóa thành con chim bìm bịp.

Trong muôn ngàn tiếng chim với nhiều cung bậc khác nhau, có lẽ tiếng chim bìm bịp kêu những khi nước lên làm xúc động lòng người, tiếc công lao bao nhiêu năm, tốn nhiều công sức mà chỉ một chút lơ là, cá nhân mà đổ sông, đổ biển. Bài học về tiếng chim kêu, sự tích con chim bìm bịp với hẩm hiu để hoài vọng một bóng hình trong cõi nhớ. Đó là tiếng kêu vừa nghe như thảng thốt, vừa như tiếc nuối một điều gì đã mất; gợi lên trong lòng người sự tiếc nuối vô hạn. Có lẽ tiếng chim bìm bịp khi nước lũ dâng cao thường buồn vì những thành quả lao động chỉ trong một chốc lát mà trôi sông, trôi biển. Những ngày cuối thu, nghe tiếng chim bìm bịp kêu tiếc nuối… dễ làm ta nhớ về một khoảng trời, một miền quê; một ký ức xa xăm; một hình bóng; một tâm sự buồn. Tiếng con chim bìm bịp kêu như muốn nhắc nhở chúng ta đã hứa làm việc gì, giúp đỡ ai phải làm đến nơi, đến chốn; làm vì cái tâm, cái tình; không miệt thị khinh khi, không vì lợi ích riêng tư… để rồi cả đời hối hận.

Đỗ Văn Cường