Một thời dạy học
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:58, 07/10/2022
Và vết hằn thời gian sẽ phân hai... màu tóc”.
Nhưng điều lớn lao mà tôi giữ được là niềm tin lặng lẽ lớn từng ngày, là ước mơ khiêm nhường với những hạt giống đã gieo vào hồn đàn em nhỏ thân yêu, chỉ thế thôi là đã thấy mình hạnh phúc trong thời gian đang sống. Tôi nhớ mãi câu nói của nhà văn Gôlôbôlin: “Nếu người kỹ sư vui mừng nhìn thấy cây cầu mà mình vừa mới xây xong, người nông dân mỉm cười nhìn đồng lúa mình vừa mới trồng, thì người giáo viên vui sướng khi nhìn thấy học sinh đang trưởng thành, lớn lên”.
Gắn với sự nghiệp giáo dục suốt ba mươi bảy năm, và bây giờ bắt đầu bước vào tuổi “thất thập”, cứ mỗi lần nhớ lại quãng đời đã sống và làm việc, sao thấy đôi mắt cay nồng. Chắc có lẽ nhiều kỷ niệm gắn với mình quá, vui có, buồn có, không vui, không buồn cũng có. Kỷ niệm với học sinh, với đồng nghiệp thân thương... Bên cạnh trách nhiệm lớn lao là dạy học thì việc tham gia vào hoạt động công đoàn cũng là cách để tôi cống hiến cho ngành và nâng cao hiệu quả trong quá trình giảng dạy.
Công tác trong môi trường giáo dục mấy mươi năm và cũng đã tham gia hoạt động công đoàn gần ba mươi năm (từ chức vụ nhỏ nhất là tổ trưởng công đoàn đến cương vị là chủ tịch công đoàn) thì đối với tôi, công tác công đoàn tại ngôi trường THPT Phan Bội Châu có quá nhiều kỷ niệm và ân tình đáng nhớ.
Phải nói rằng kỷ niệm rất nhiều không thể kể hết được nhưng với cương vị là người lãnh đạo hoạt động này trong suốt thời gian dài đã cho tôi nhiều điều thú vị: Đã cho tôi biết được, hiểu được cuộc sống rất đẹp khi ta tạo mối thâm tình (không phân biệt các chức sắc trong nhà trường): đoàn kết, chân tình, vui vẻ, quý mến lẫn nhau. Cùng động viên nhau trong cuộc sống từ công tác giảng dạy đến vui buồn đời thường; hỗ trợ nhau khi đồng nghiệp gặp những điều không may trong cuộc sống.
... Nhưng có kỷ niệm làm tôi nhớ mãi! Một buổi sáng, thầy giáo nọ đến gặp tôi “thưa thầy, sao mình không tổ chức một sân chơi? Ví dụ như tổ chức một buổi sinh hoạt văn nghệ cho các thầy cô giáo tham gia, bởi vì trường ta có lực lượng đông, nhân tài không thiếu, chỉ có sân chơi này mới gần nhau hơn, hiểu nhau hơn, gắn bó hơn và đặc biệt xả stress cho các thầy cô sau một năm miệt mài công tác”. Tôi thấy hợp lý quá và cùng trao đổi với thầy Vinh - Hiệu trưởng , thầy đồng ý và hỗ trợ tích cực cho công đoàn nhà trường hoạt động. Từ đó sân chơi cuối năm của các thầy cô giáo Trường THPT Phan Bội Châu được tổ chức vào dịp trung tuần cuối tháng 4 khi mùa hè sắp đến, phong trào này lan tỏa và vươn xa đến các đơn vị trường học bạn trong tỉnh. Sự lan tỏa này cũng bắt đầu một câu chuyện mà tôi nhớ mãi: Ngày sơ kết thi đua cụm do Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận tổ chức sau khi kết thúc học kỳ I hàng năm. Trong sơ kết, hội đồng thi đua của ngành đề nghị mỗi trường học báo cáo một hoạt động mạnh nhất, nổi bật nhất trong trường để nhân rộng cho các trường khác học tập. Thầy Nguyễn Quang Vinh ngồi bên cạnh tôi và nói nhỏ:
“Anh Phương ơi, hoạt động văn nghệ của công đoàn qua sân chơi cuối năm dành cho thầy cô giáo là một hoạt động mạnh và có ý nghĩa rất lớn, đề nghị anh thay mặt nhà trường lên diễn đàn trình bày lại toàn bộ hoạt động của sân chơi này cho các tổ chức công đoàn trường bạn học tập và tổ chức”.
Tôi thầm cảm ơn thầy đã tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động và chính thức đưa vào kế hoạch của nhà trường hàng năm. Mỗi năm là một chủ đề, chủ đề mà tôi nhớ mãi là “Riêng một góc trời”. Cơ duyên cho chủ đề này thi vị đến lạ! Một buổi chiều cuối năm, ngồi một mình nơi quán cà phê sát bờ biển, tôi nghe bản nhạc dịu êm như gió thoảng của Ngô Thụy Miên vọng về từ đâu đó rất xa xăm, mặc cho nước biển theo từng đợt sóng vỗ vào kè đá, một cảm giác sâu lắng mà tôi cảm nhận được sự rung động từ sâu thẳm trái tim: “Người vui bên ấy, xót xa nơi này, thương hình dáng ai. Vòng tay tiếc nuối, bước chân âm thầm, nghe giọt nắng phai...”. Và thế là tôi quyết định chọn chủ đề đêm nhạc “Riêng một góc trời” để cho các thầy cô nhớ lại một thời với những góc trời rất riêng của mình.
Đêm nhạc hôm ấy đã thật sự đi vào lòng người, rất cảm ơn thầy Hiệu trưởng Nguyễn Quang Vinh, thầy Hiệu phó Nguyễn Hữu Nhạc đã hỗ trợ hết mình. Tôi nhớ mãi cái bắt tay ấm áp của thầy Vinh “chúc mừng anh, đêm nhạc hay quá!”.
Dù đã về hưu, nhưng mỗi lần tháng 4 về, tôi lại nhớ tiếng ghita rải những cung trầm trong bản nhạc Riêng một góc trời của đồng nghiệp tôi năm ấy:
… Người yêu dấu, người yêu dấu hỡi.
Khi mùa xuân vội qua chốn nơi đây.
Nụ hôn đã mơ say, bờ môi ướt mi cay, nay còn đâu…
Hạ còn nắng ấm, thấy lòng sao buốt giá
Gọi tên em mãi, trong cơn mê này, mình nhớ thương nhau…
Nội dung bài hát sao thấy có gì đó gắn với những kỷ niệm của tôi với thầy hiệu trưởng mà tôi không thể quên được. Giờ đây, thầy đã đi xa, thật xa! Nhớ đến thầy với thâm tình vĩnh cửu!
… Thế là anh ra đi vắng lặng
Cuộc đời bỗng buồn tênh
Những lời yêu thương là những bài ca ngắn.
Hát lưng chừng giữa ngày tháng mong manh…