Đôi điều tính nhạc trong thơ

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 06:09, 07/10/2022

Bây giờ một số người quan niệm làm thơ không dụng công vần điệu, gợi tôi ngẫm về tính nhạc trong thơ của những nhà thơ lớn, những trào lưu sáng tác thơ ca - nhất là trường phái thơ tượng trưng. Vừa rồi đọc lại thơ Bích Khê, tôi rất ấn tượng một số bài thơ ông về sự giao cảm sắc màu và tính nhạc.
depositphotos_335258376-stock-photo-violin-bow-and-sheet-music(1).jpg

Bài Tỳ bà dụng công toàn vần bằng, tiếng thơ thì thầm êm dịu nhẹ rung với lớp hợp âm giao hưởng từ chính con tim: “Tôi qua tim nàng vay du dương/ Tôi mang lên lầu lên cung thương/ Ôi tôi bao giờ thôi yêu nàng/ Tình tang tôi nghe như tình lang” – tim chàng cũng như tim nàng, tha thiết nốt nhạc tình yêu du dương ngân nga, để nghe giai điệu chuyển hóa không dứt tình tang kia như tình lang. Âm thanh tiếng tỳ bà chuyên chở tình yêu về nơi vô tận, ý thơ toát lên ý nghĩa tình yêu muôn thuở ở cõi nhân gian, khó ai vượt khỏi cái điều diệu kỳ huyền bí ấy. Trong khối phức tạp thế giới tâm linh đó, chủ thể trữ tình trở nên trống vắng hụt hẫng, chuyển giai điệu thơ qua những nốt nhạc buồn bao phủ nơi nơi: “Buồn lưu cây đào xin hơi xuân/ Buồn sang cây tùng thăm đông quân/ Ô hay buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi ! vàng rơi ! thu mênh mông” (Tỳ bà). Buồn lang thang đến chốn đào hoa “xin hơi xuân” tìm tia nắng ấm; đến “thăm đông quân” tìm thần lực mùa xuân (đông quân) với màu xanh tùng bách vui sống chống chọi vượt qua quy luật khắc nghiệt thời gian sương giá. Nhưng khi “buồn vương cây ngô đồng” thì ngô đồng không còn hình tượng cổ mẫu đã đi vào huyền thoại chim phượng hoàng đến đậu hấp thu tinh khí đất trời trong dấu ấn vô thức cộng đồng, cũng không nhuốm màu dự báo thời gian như trong Đường thi “Ngô đồng nhất diệp lạc/ Thiên hạ cộng tri thu”. Ngô đồng ở đây không đường nét, không lá rơi, chẳng hình thù, chỉ một màu vàng bao phủ rụng rơi khắp đất trời mùa thu mênh mông. Sắc màu mang yếu tố tượng trưng với cung điệu thơ trầm bình gợi cảm giác nhẹ nhàng lan tỏa vấn vương nỗi buồn, mơ hồ rộng khắp, âm thanh giao cảm sắc màu tạo ra không gian chia ly một trời thương nhớ. Yếu tố tượng trưng vượt qua hiện thực tìm về thế giới tâm linh siêu hình bí ẩn, duy mỗi nhà thơ mới nhận ra, một mình một cõi, âm điệu dịu êm trong thơ đưa chủ thể trữ tình về với không gian vắng lặng cô đơn, mấy ai hiểu được.

Sự giao cảm sắc màu và nhạc điệu còn rất ám gợi trong bài Thi vị của ông. Trong Tỳ bà thanh điệu toàn vần bằng, qua Thi vị chuyển sang một trường giai điệu khác. Bài thơ 5 khổ, 20 câu, mỗi khổ 4 câu (câu 3 chữ, câu 4 chữ, xen kẽ kéo dài suốt bài thơ): “Lá vàng rơi,/ (Tôi khóc, anh ơi!)/ Đàn rung tiếng/ Người yêu đương ngồi…/ Trăng vàng rơi,/ (Tôi khóc, anh ơi!)/ Đàn nghẹn tiếng/ Người yêu dậy rồi…/ Hoa vàng rơi,/ (Tôi khóc, anh ơi!)/ Đàn rụng tiếng/ Người yêu đi rồi/ Sao vàng rơi,/ (Tôi khóc, anh ơi!)/ Đàn câm tiếng/ Người yêu xa rồi/ Đêm vàng rơi,/ (Tôi khóc, anh ơi!)/ Đàn bẻ phím/ Người yêu chết rồi”.

Thi vị sử dụng điệp âm, điệp từ, điệp cú pháp, điệp ngắt nhịp từ khổ đầu đến khổ cuối bài thơ, bộc lộ nội tâm theo âm hưởng chậm buồn: câu đầu mỗi khổ, nhịp 1/2 (lá/ vàng rơi), đến câu thứ 2, nhịp 2/2 (tôi khóc/ anh ơi), câu 3 trở lại nhịp 1/2 (đàn/ rung tiếng) đến câu 4 nhịp 2/2 (người yêu/ đương ngồi). Nhịp điệu đều đặn: 1/2, 2/2, rồi lặp lại như thế trải dài xuyên suốt 5 khổ thơ. Nhưng theo chuyển hóa cảm xúc nội tâm làm cho cung bậc âm độ mỗi lúc một tăng dần. Tiếng khóc nấc lên từng đợt theo vàng rơi, với âm vực tiếng đàn, từ rung, nghẹn, rụng, đến câm rồi bẻ phím theo từng động thái người yêu: đương ngồi, dậy rồi, đi rồi, xa rồi, chết rồi. Chỉ có một từ đương ngồi ở thì hiện tại, còn lại những việc đã qua với thông báo tiếng “rồi”, tất cả đều trôi về quá khứ. Màu sắc và âm thanh quyện vào nhau chuyển hóa vận động theo cuộc tình buồn, đến lúc đàn câm, rồi kết thúc vút lên một cách dữ dội, “đàn bẻ phím”, âm thanh phụt tắt, “người yêu chết rồi”, xem như kết thúc một cuộc tình, ấy là lúc đêm vàng rơi, màu sắc mất đi, bóng tối bao trùm, nhưng nỗi niềm vẫn còn thổn thức miên man.

Thơ tượng trưng luôn ám gợi người đọc với những sắc màu, tính nhạc. Tính nhạc, sắc màu luôn chuyển hóa cho nhau ẩn chứa nội dung tư tưởng hình tượng trong tác phẩm, đó là “mối quan hệ tất yếu, giữa từ chính xác và từ có tính nhạc” (Flaubert). Trường phái này quan niệm thơ “trước hết phải có nhạc tính”, như câu định nghĩa nổi tiếng của Valéry: “Thơ là sự dao động giữa âm thanh và ý nghĩa”. Tỳ bà và đặc biệt là Thi vị của Bích Khê là bài thơ rất tiêu biểu về sự chuyển hóa sắc màu theo nhịp điệu âm thanh. Cảm hết được bài thơ quả là khó, nhưng hiển nhiên ở đó là âm vang của những nốt nhạc tình buồn, nốt nhạc tình yêu đôi lứa, như trong duyên nợ gánh lấy những cặp song sinh tồn tại sóng đôi: hạnh phúc và đau thương, niềm vui với nỗi buồn, niềm tin cùng thất vọng. Thơ Bích Khê về sau với một thế giới hình tượng vượt ra ngoài cõi thực, người đọc bắt gặp ở đó một thế giới đẹp lung linh huyền ảo đầy ám gợi với sắc màu và tính nhạc. Tỳ bà và Thi vị cũng nằm trong bầu trời thơ tượng trưng ấy, âm điệu buồn đau nhưng ngân vang tha thiết tình đời.

Võ Nguyên