Làm sao để chuyển đổi số thành công?

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 20:19, 07/10/2022

BTO-Thách thức lớn nhất của chuyển đổi số chính là tư duy và nhận thức của chính mỗi người. Nếu tư duy và nhận thức của từng cá nhân không thay đổi thì không thể có chuyển đổi số.

Chính quyền số, xã hội số và kinh tế số

Xác định cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại cả cơ hội và thách thức. Vì vậy, phải nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội thông qua nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu tiên tiến vào đời sống kinh tế - xã hộị…

Chính vì vậy ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị Quyết số 52 NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó trọng tâm là chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Sau đó, Thủ tướng chính phủ đã có Quyết định 479/QĐ-TTg về phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Bình Thuận đã ban hành Nghị Quyết số 10 ngày 18/3/2022, về chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng đến 2030 dựa trên 3 trụ cột là chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Để thực hiện nghị quyết, UBND Tỉnh cũng đã ban hành chương trình hành động để thực hiện. Trong Chương trình hành động, nêu ra các mục tiêu cho từng thời kỳ, cũng như các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện.

tai-xuong(1).jpg

Nều chính quyền số giúp bộ máy hoạt động hiệu quả, hiệu lực hơn, minh bạch hơn, giảm tham nhũng thì kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới, thoát bẫy thu nhập trung bình. Còn xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng; đồng thời các ngành, lĩnh vực được tối ưu, thông minh hóa.

 Tuy nhiên, cũng nhận thấy để thực hiện được những mục tiêu trên có rất nhiều khó khăn, thách thức. Trước hết, đó là nhận thức, thói quen của người dùng, là chủ thể chính của quá trình chuyển đổi số. Thêm vào đó là nguồn nhân lực chuyển đổi số thiếu hụt, từ nhà quản lý đến chuyên gia, kỹ sư, công nhân công nghệ số. Trong khi đó, người dân chưa có đủ kỹ năng số cần thiết, nguy cơ mất việc làm khi người lao động không được đào tạo lại, đào tạo nâng cao kịp thời để bắt kịp các yêu cầu về kỹ năng mới. Không chỉ thế, dữ liệu của nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức; dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư cá nhân của con người trên không gian mạng bị đe dọa và những mối quan hệ mới chưa có tiền lệ phát sinh. Những mối quan hệ truyền thống có thể bị gián đoạn hoặc chấm dứt và cuối cùng là nguồn kinh phí hạn hẹp cũng là một cản ngại rất lớn.

 Chuyển đổi số như thế nào?

Có thể nói, chuyển đổi số là một cuộc các mạng trong cuộc cách mạng 4.0. Chuyển đổi số không cần nhiều cơ sở vật chất mà cái cần chính là thay đổi tư duy, để đi nhanh và đi đầu, tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút nguồn lực, huy động sức mạnh toàn dân trong thực hiện chuyển đổi số, thay đổi thứ hạng quốc gia trên thế giới. Tuy cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số bắt nguồn từ công nghệ, nhưng 3 yếu tố quyết định thành công là con người, thể chế và công nghệ, mà trước tiên là yếu tố con người.

Chuyển đổi số là một cơ hội vô giá, và để chuyển đổi thành công, cần ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ.

Trước hết cần thay đổi nhận thức và tư duy, từ người lãnh đạo đến người dân. Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ ra “Mức độ chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế” và khẳng định “nguyên nhân chủ quan là chính”. Thách thức lớn nhất của chuyển đổi số chính là tư duy và nhận thức của chính mỗi người. Nếu tư duy và nhận thức của từng cá nhân không thay đổi thì không thể có chuyển đổi số. Người càng có trách nhiệm cao trong bộ máy công quyền càng cần sớm nhận thức tình hình.

Vì vậy, cần nhanh chóng tổ chức học tập quán triệt NQ10 của Tỉnh ủy Bình Thuận và chương trình hành động của UBND tỉnh đến từng cán bộ, đảng viên; phổ biến rộng rãi đến các tổ chức quần chúng, đoàn viên, hội viên.

Song song đó, xây dựng hạ tầng số với các cơ sở dữ liệu quốc gia; dữ liệu của tỉnh trên nền tảng số bao gồm hạ tầng thiết bị và truyền thông, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng ứng dụng, hạ tầng nghiên cứu và phát triển… Một trong các hạ tầng quan trọng là cơ sở dữ liệu thiết yếu của các bộ, ngành và địa phương. Bên cạnh bố trí kinh phí phù hợp để từng bước hoàn thiện hạ tầng số; có chính sách khuyến khích xã hội hoá về chuyển đổi số là đào tạo nhân lực, gồm đào tạo lực lượng chuyên nghiệp về công nghệ số và kỹ năng số cho người lao động. Ngoài ra, hàng tháng phải có đánh giá về công tác chuyển đổi số tại các cơ quan; đơn vị. Thành lập các tổ chuyển đổi số tại các địa phương; các cơ quan, đơn vị để thường xuyên hướng dẫn, tương tác mọi người trong cơ quan, đơn vị, người dân ở địa bàn dân cư biết và sử dụng các ứng dụng trong chuyển đổi số.

TS. Hồ Trung Phước